Cuốn sách gồm 11 phần, đọc suy ngẫm từng phần bạn đọc sẽ rất ấn tượng về một quá khứ từng trải, không ít gian nan song chủ thể rất năng động, sáng tạo. Cuộc đời ông thật ý nghĩa, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ (Tuổi thơ kháng chiến, Cấp 3 Nguyễn Trãi một thời; Vợ chồng là nghĩa tao khang; Niềm vui thầm lặng; Gã tại sao?; Mười năm cuối cán đầu binh; Những chuyến đi nước ngoài; Học mót; Với các nhà văn; Phần kết).
Nguyễn Bắc Sơn tham gia kháng chiến từ lúc còn thiếu nhi, trải không ít gian truân. Bạn đọc sẽ không chỉ hiểu rõ cuộc đời của nhà văn mà càng thêm trân quý ông bởi đức khiêm tốn, ham học và tâm hồn nhạy cảm. Con người ấy giàu lòng nhân ái, trách nhiệm cao với công việc, nhiệt tình với mọi người. Ngay từ những dòng đầu sách, nhà văn đã có cách xưng hô thật đặc biệt. Sách tái hiện những ngày hai anh em trai Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Bắc Sơn rủ nhau từ Phú Thọ, đi bộ mấy ngày liền lên An toàn khu, phần lớn là đường rừng heo hút, bất chấp đau đớn vì chân bị que nhọn đâm, bị nhiễm trùng sưng tấy. Vừa đến, hai anh em bắt tay ngay vào học tập xướng âm, học múa và nhạc cụ.
Phần “Cấp 3 Nguyễn Trãi một thời” viết về các bạn cùng lớp, nhiều nhất là nhóm bạn đi B “một lứa ngang trời”, trong đó có Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân với tượng đài thơ “Dáng đứng Việt Nam” bất hủ. “Vợ chồng là nghĩa tao khang” nói về tình yêu của nhà văn với người bạn đời - cô Đào Thị Quang. Tác giả yêu từ cái nhìn đầu tiên, đến nay đầu bạc răng long vẫn duy nhất một niềm “mối tình đầu cũng là mối tình cuối”. Thật hiếm có người đàn ông nào sống ở thế kỷ 21 giữa phố thị đầy những cám dỗ nhưng “không nghiện rượu, bia, thuốc lá, chè, cà-phê, cũng không lô đề, cờ bạc, đến bây giờ 80 tuổi vẫn chỉ nghiện em - vợ chú bây giờ”. “Niềm vui thầm lặng” viết về mấy chục năm dạy học. “Mười năm cuối cán đầu binh” là thời gian Nguyễn Bắc Sơn làm quản lý báo chí xuất bản và bản quyền - Sở Văn hóa, Thông tin Hà Nội, ông rất tự hào vì làm được nhiều việc có ích. “Những chuyến đi nước ngoài” là thời gian ông làm Phó Chủ tịch “Diễn đàn nhà báo môi trường Việt Nam”. Người ta đi để… trải nghiệm và hưởng thụ, ông đi để học và viết. “Phần kết” rất ấn tượng. Hồi ký của Nguyễn Bắc Sơn sống lại với những nhọc nhằn và nhớ thương. Cuối tác phẩm ông viết: “Có được như hôm nay là nhờ tứ thân phụ mẫu, nhờ người vợ tao khang, những người thân, nhờ bạn bè, nhất là bạn văn chương, các bạn học sinh, sinh viên đã tương tác khi làm việc - giờ nhiều người vẫn gắn bó - và bạn đọc xa gần. Biết ơn lắm cuộc đời đáng yêu, đáng sống và thật sự chú đã sống thật, sống hết mình vì nó”.