Đến dự, có Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện các bộ, ngành T.Ư; đại diện Phật giáo các nước Myanmar, Lào; cùng đông đảo tăng ni, phật tử trong khu vực.
Chùa Hoằng Phúc còn có tên là chùa Kính Thiên, chùa Quan, có lịch sử hơn 700 năm, là một trong những danh lam cổ nhất tại Quảng Bình và là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền trung. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông ghé thăm và cầu phúc đức cho dân tại ngôi chùa này.
Trong chiến tranh, chùa Hoằng Phúc từng là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, chùa đã bị bom đạn đánh phá hư hỏng.
Tháng 11-2014, chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo theo hướng chính và giữ nguyên trạng chùa cũ, theo lối chùa cổ thời nhà Trần, gồm tam quan ngoại, tam quan nội, tháp Phật, Tam bảo chùa với tổng mức đầu tư gần 56 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó nhà tài trợ chính là Công đoàn BIDV. Sau hơn một năm xây dựng, đến nay công trình đã hoàn thành. Ngày 9-12-2015, chùa Hoằng Phúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia.
Dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao tặng ngọc xá lợi Đức Phật Tổ Như Lai cho chùa Hoằng Phúc để tăng ni, Phật tử chiêm bái và thờ phụng.
Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cung nghinh ngọc xá lợi Đức Phật từ Giáo hội Phật giáo Myanmar về Quảng Bình. Đây là ngọc xá lợi xương của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni được rước từ Chùa Shwedagon (Chùa Vàng) ở TP Yangon - là ngôi chùa lớn và linh thiêng nhất Myanmar.
Đại diện Bộ VH-TT-DL trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia chùa Hoằng Phúc cho tỉnh Quảng Bình.
Cắt băng khánh thành chùa Hoằng Phúc.
Cung nghinh ngọc xá lợi Đức Phật từ Giáo hội Phật giáo Myanmar về Quảng Bình bằng đường hàng không.