Bảo vật quốc gia cần được bảo vệ đặc biệt

|

Ngay khi có kết quả kiểm tra hiện trường vụ cháy tại di tích quốc gia chùa Phổ Quang (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) hồi cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn yêu cầu cơ quan chức năng ở tỉnh Phú Thọ và các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật bị hư hại tại di tích này, trong đó có bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá (Bệ đá hoa sen).

Bộ yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp và các yêu cầu kỹ thuật cấp thiết, đồng bộ để bảo quản, tu bổ lâu dài sau này; trước mắt gia công khung cứng để bao che toàn bộ bảo vật quốc gia... Vụ cháy ở chùa Phổ Quang là một rủi ro không mong muốn, nhưng sự cố này thêm một lần nữa cảnh báo về tình trạng bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia một cách lỏng lẻo hiện nay.

Cả nước hiện có gần 294 bảo vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia (trong đó, đa số bảo vật được lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các bảo tàng và di tích; chỉ chưa đến 20 bảo vật thuộc các bộ sưu tập tư nhân). Nhưng đang tồn tại một nghịch lý trong công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia, đó là mâu thuẫn giữa quy trình nghiêm ngặt, công phu khi xem xét công nhận danh hiệu bảo vật quốc gia và sự lạnh nhạt, thờ ơ trong bảo vệ, tôn vinh, lan tỏa giá trị danh hiệu sau khi được công nhận.

Trong khi các bảo vật quốc gia thuộc quyền quản lý của bảo tàng và những di tích lớn được quan tâm tu bổ, bảo quản, phát huy giá trị thì còn nhiều bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại các di tích ở nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục dầm mưa dãi nắng, chưa có phương án bảo quản đặc biệt theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Chẳng hạn như cột đá chùa Dạm hay bộ tượng 10 linh thú đá chùa Phật Tích (Bắc Ninh) kể từ khi được công nhận là bảo vật quốc gia đến nay cũng chưa có phương án bảo quản và phát huy giá trị xứng tầm... Thực trạng thờ ơ, lạnh nhạt trong bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia tại một số địa phương được cho là do thiếu kinh phí, đầu tư nhỏ giọt, cầm chừng. Song thực chất, gốc rễ của vấn đề là nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc.

Không ít địa phương mong muốn và quyết liệt để có được những bảo vật quốc gia, coi đó là niềm tự hào. Thế nhưng, được công nhận xong, bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại các di tích lại chẳng được quan tâm, ưu tiên đặc biệt như cần phải thế. Trong khi một số ít bảo vật quốc gia nằm trong tay các nhà sưu tập tư nhân lại được bảo vệ, bảo quản và phát huy tốt.

Luật Di sản văn hóa quy định bảo vật quốc gia phải được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt. Đã đến lúc phải có những chế tài đủ mạnh để bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia. Cần phải có những giải pháp triệt để, các chế tài chặt chẽ, thí dụ như kiểm tra định kỳ 5 năm sau khi công nhận bảo vật quốc gia, nếu địa phương không có biện pháp bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia thì danh hiệu đó sẽ bị thu hồi.