Viết lời mới cho dân ca qua Cuộc vận động sáng tác “Nông thôn ngày mới”

|

NDO - Ngày 24/12, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc vận động sáng tác lời mới thơ ca-lý-hò-vè Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Nông thôn ngày mới”.

Qua hơn 3 tháng triển khai, ban tổ chức đã nhận được 118 tác phẩm gửi về tham gia cuộc vận động. Các tác phẩm chính là minh chứng cho sức sống của loại hình diễn xướng rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân thành phố.

Những giai điệu tuyệt đẹp, âm điệu dân dã, đằm thắm mà bác học đã được các tác giả hôm nay khéo léo đặt lời mới một cách rất tinh tế để hấp dẫn hơn với sự phát triển của cuộc sống hôm nay.

Ban tổ chức trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải ở thể loại dân ca lý-hò-vè.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phượng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Cuộc vận động sáng tác lần này, phần lớn các tác giả đã tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của một người cầm bút, lao động bằng tri thức nghệ thuật.

Mỗi tác phẩm của các tác giả gửi về góp phần bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo thơ ca-lý-hò-vè của nước nhà, đồng thời, tiếp tục giới thiệu, quảng bá, lan tỏa, tuyên truyền các loại hình diễn xướng dân gian qua các tác phẩm viết lời mới mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải cao ở thể loại Thơ ca.

“Tôi rất xúc động vì biết nhiều tác giả ở miền bắc, miền trung, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động sáng tác do Thành phố Hồ Chí Minh phát động, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa, góp phần xây dựng đời sống văn hóa vùng nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thêm đa dạng và phong phú” - bà Nguyễn Thị Hoài Phượng phát biểu.

Đánh giá về chất lượng các tác phẩm, Nhà giáo ưu tú, đạo diễn Nguyễn Hữu Diệu Đức, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc vận động cho biết, mặc dù số lượng các tác phẩm tham dự chưa được nhiều lắm so với mặt bằng chung, thế nhưng, Hội đồng giám khảo đánh giá khá cao chất lượng các bài dự thi năm nay. Các tác phẩm đều thể hiện sự đầu tư nghiêm túc cả về nội dung lẫn hình thức.

Trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải phụ.

Nhiều bài dự thi đi đúng chủ đề về nông thôn mới, khai thác sâu sắc chủ đề, bên cạnh đó còn có đề tài về gia đình, quê hương và tình yêu đất nước và về Bác Hồ.

Các tác giả đã sử dụng ngôn ngữ dân gian giàu hình ảnh và âm điệu, bám sát tinh thần của nghệ thuật thơ ca-lý-hò-vè, đưa ra những sáng tạo mới mẻ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống phù hợp với đời sống đương đại.

Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Hữu Diệu Đức cũng nêu lên những hạn chế của của các tác phẩm cần rút kinh nghiệm như: Một số tác phẩm còn trùng lập về ý tưởng, chưa thật sự sâu sắc hoặc chưa đạt yêu cầu về cấu trúc và nhịp điệu.

Một số tác phẩm không nằm đúng theo chủ đề của cuộc vận động sáng tác và nhất là có một số bài vì chạy theo ý mà đặt lời bị cưỡng âm theo giai điệu…

Biểu diễn tác phẩm "Từ miền Nam gửi câu Ví Dặm kính dâng Người” của Hà Thị Thu Lài và Lê Văn Đại - tác phẩm đoạt giải phụ viết về Bác Hồ ấn tượng.

Kết quả, ở thể loại ca khúc thơ phổ nhạc, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhì và 3 giải Khuyến khích.

Ở thể loại thơ ca, Ban tổ chức trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.

Riêng thể loại dân ca lý-hò-vè, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải phụ: Tác phẩm viết về Thành phố Hồ Chí Minh ấn tượng (tác phẩm “Sài Gòn mến yêu” của Trần Thanh Quang); tác phẩm viết về Bác Hồ ấn tượng (tác phẩm “Từ miền Nam gửi câu Ví Dặm kính dâng Người” của Hà Thị Thu Lài và Lê Văn Đại); tác phẩm viết về Nông thôn mới ấn tượng (tác phẩm “Củ Chi ngày mới” của Hồ Phúc Lâm, “Niềm vui cùng Nông thôn mới” của Nguyễn Thị Thanh Hương và “Cần Giờ ngày mới” của Trần Thị Kim Loan).