Dự án nâng cấp và cải tạo hào xung quanh thành cổ Vinh thuộc Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vinh, hiện đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Dự án có tổng diện tích quy hoạch 6,475 ha (qua địa bàn phường Cửa Nam, Quang Trung, Đội Cung, thành phố Vinh). Tổng đầu tư khoảng 110 tỷ đồng. Theo phương án đền bù giải phóng mặt bằng, có 299 hộ bị ảnh hưởng, trong đó, có khoảng 100 hộ phải tái định cư. Dự án dự kiến hoàn thành trong quý I-2017 với các hạng mục chính: nạo vét, xây dựng tường chắn dọc hai bờ mương, xây dựng tuyến cống bao thu gom nước thải, xây mới tuyến mương bên trong thành cổ và tuyến mương bên ngoài thành cổ, xây dựng sáu cửa xả và sáu hố ga tách nước thải…
Tuy nhiên, theo ban dự án đến nay, tiến độ thi công Dự án cải tạo và nâng cấp mương xung quanh thành cổ Vinh (Nghệ An) đang thực hiện rất chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Một số hộ dân ở phường Cửa Nam, Quang Trung, Đội Cung chưa nhất trí phương án đền bù. Cụ thể, phường Cửa Nam còn 45 hộ chưa được phê duyệt phương án đền bù, phường Quang Trung còn ba hộ chưa chấp nhận phương án đề bù, phường Đội Cung còn năm hộ chưa chấp nhận phương án với các lý do giá đền bù đất, tài sản thấp, đang xin đất tái định cư. Hiện, thành phố đã bố trí 100 lô tái định cư ở Quán Bàu cho các hộ.
Được biết, hiện nay, những sử liệu ghi chép về thành cổ Nghệ An khá đầy đủ. Theo đó, thành Nghệ An được xây dựng từ năm Gia Long thứ ba (1804) ở địa phận hai xã Vĩnh Yên và Yên Trường, nay thuộc thành phố Vinh. Kiến trúc của thành được xây dựng theo kiểu truyền thống Phương Đông, nhưng vì thành mang tính chất bảo vệ (phòng ngự) nên có ảnh hưởng của lối xây dựng thành trì của Pháp và Tây Âu (hay còn gọi là Vauban).
Thành Nghệ An có hình con rùa (kiểu Quy hình) với sáu cạnh và sáu góc, xung quanh thành có hào sâu tám thước, rộng tám thước. Hào luôn có nước và được lưu thủy qua sông Vinh, nguồn từ kênh nhà Lê qua Chính Đích, thông qua sông Lam qua ngã ba Mỏ Hạc. Hồ hào ngoài thành được nhân dân dùng để trồng sen, mùa thu hoạch phải nộp hạt sen cho triều đình. Như vậy có thể thấy, hào thành là một bộ phận cấu thành nên quần thể di tích thành cổ Nghệ An. Việc phục hồi, tôn tạo lại hào thành là việc làm đúng đắn. Khi hào thành được tôn tạo xong, có thể thả sen vào như cách làm của các bậc tiền nhân, vừa tạo được cảnh quan tươi đẹp, vừa giữ được vệ sinh môi trường. Người dân có thể tìm đến hào thành để dạo bộ, thư giãn…
Ngoài những lợi ích thiết thực như cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng đời sống dân cư, tiến tới làm kinh tế du lịch… thì hơn cả là phục dựng lại hào thành có giá trị văn hóa - lịch sử sâu sắc, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử của quê hương mình.