Đến dự, có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Trưng bày "Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội" giới thiệu một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật được tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội vào những năm 2008-2009 dưới 2 tầng hầm của tòa nhà. Với 140 di tích cùng hàng chục nghìn di vật khảo cổ được tìm thấy tại đây đã góp phần phản ánh sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua suốt 1.300 năm, từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ 7-10) đến thời kỳ Thăng Long (thế kỷ 11-18). Đồng thời minh chứng rõ, khu vực xây dựng tòa Nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam của khu Trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Trưng bày được thể hiện theo lát cắt địa tầng khảo cổ tức là theo thời gian từ xưa lại gần. Theo đó, phương pháp trưng bày được thực hiện mang tính thống nhất là trưng bày lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật, trong đó di tích được xem là "hồn cốt", di vật được xem là các "hạt nhân" được trưng bày ngay trong lòng các di tích nhằm đem lại những cảm xúc và ấn tượng mạnh cho từng không gian trưng bày.
Trong mỗi không gian trưng bày ở mỗi tầng hầm đều có những "điểm nhấn" tạo nên tính độc đáo, riêng biệt, đồng thời những "câu chuyện kể" về lịch sử phát hiện dưới lòng đất về Kinh đô Thăng Long xưa, trung tâm quyền lực lâu đời của quốc gia Đại Việt trong lịch sử được diễn giải sinh động qua di tích, di vật với những chủ đề và phong cách trình diễn đồ họa đặc sắc cùng hệ thống sa bàn, hình ảnh, Media và ánh sáng hiện đại.
Theo PGS.TS. Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: "Ý tưởng trưng bày phân theo địa tầng khảo cổ học, theo diễn biến thời gian từ xa xưa lại gần. Với cấu trúc đó, Tầng hầm 2: Trưng bày thời kỳ Tiền Thăng Long, thời kỳ trước khi Vua Lý Công Uẩn hạ Chiếu dời đô về đây; Tầng hầm 1: Trưng bày thời kỳ Thăng Long, tức là sau 1010, sau khi Vua Lý Công Uẩn hạ đô. Ở mỗi một tầng hầm, trong mỗi một không gian, chúng tôi lại lựa chọn những điểm nhấn nhằm đem lại những cảm xúc, những ấn tượng cho người xem và thể hiện những giá trị cốt lõi nhất của di sản đến công chúng một cách tự nhiên. Ngoài ra, trưng bày còn thiết kế không gian dành cho trẻ em, thiết kế dành cho người tàn tật”.
Phát biểu tại buổi lễ, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, đây là dự án có ý nghĩa và tầm quan trọng rất đặc biệt về chính trị và khoa học. Dự án này không chỉ đem lại một hình ảnh mới cho tòa Nhà Quốc hội Việt Nam, tạo nên hình ảnh biểu trưng độc đáo của sự tiếp nối, tôn vinh giá trị truyền thống mà còn góp phần quan trọng trong việc minh chứng sâu sắc hơn giá trị của khu Di sản Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời, phục vụ thiết thực cho công tác quảng bá giá trị di sản, đáp ứng yêu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế tại tòa Nhà Quốc hội.
Khách tham quan trưng bày khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội.
Khách tham quan hứng thú với khu vực tương tác dành cho trẻ em.
Một góc trưng bày các di vật mái lợp ngói.