Nepal: Tổng tuyển cử

|

Ngày 26-11, tại Nepal, diễn ra cuộc tổng tuyển cử lần đầu kể từ năm 1999. Theo Hiến pháp đầu tiên của Nepal được công bố năm 2015, Quốc hội mới cần được thành lập trước ngày 21-1-2018. Hơn 15 triệu cử tri đủ tư cách sẽ bầu quốc hội gồm 275 thành viên. Ðồng thời, cử tri sẽ bầu đại diện của bảy hội đồng tỉnh lần đầu kể từ khi Nepal bãi bỏ chế độ quân chủ năm 2008.

Cuộc bầu cử cấp quốc gia và cấp bang được tiến hành theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, cuộc bỏ phiếu diễn ra trên toàn miền bắc Nepal vào ngày 26-11. Giai đoạn hai sẽ diễn ra vào ngày 7-12 tới tại các khu vực miền nam. Dự kiến, kết quả sẽ được công bố sau cuộc bỏ phiếu vào ngày 7-12 tới. Nepal hiện vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, khoảng 20% trong tổng số dân 28 triệu người ở nước này sống với mức thu nhập dưới hai USD/ngày.

Nga: Ðáp trả sức ép của Mỹ

Tổng thống Nga V.Putin ngày 25-11 đã ký ban hành đạo luật mới cho phép nhà chức trách liệt các hãng truyền thông nước ngoài vào danh sách các "cơ quan đại diện nước ngoài" hoạt động tại Nga. Ðây là động thái nhằm đáp trả điều mà Moscow cho là sức ép "không thể chấp nhận được" của Mỹ đối với các phương tiện truyền thông Nga. Trước đó, đạo luật này đã được lưỡng viện Quốc hội Nga thông qua; cho phép Moscow buộc các hãng truyền thông nước ngoài "gắn mác" cho những thông tin mà họ truyền tải đến người Nga là sản phẩm của "các cơ quan đại diện nước ngoài" và phải công khai các nguồn tài chính của mình.

Ðộng thái đáp trả của Moscow diễn ra trong bối cảnh gần đây Mỹ có nhiều hành động nhằm vào các cơ quan truyền thông Nga, như buộc kênh truyền hình RT America bản tiếng Anh của Nga phải đăng ký hoạt động với tư cách "một cơ quan đại diện nước ngoài" tại Mỹ, hoặc tìm cách cản trở hoạt động của Hãng thông tấn TASS, hãng tin Sputnik cùng nhiều tờ báo và nhà báo của Nga tại Mỹ.

Honduras: Bầu cử tổng thống

Sáng 26-11 (giờ địa phương), sáu triệu cử tri Honduras đi bỏ phiếu bầu tổng thống, trong bối cảnh Tổng thống đương nhiệm Juan Orlando Hernández tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ thứ hai bất chấp Hiến pháp quy định chỉ được một nhiệm kỳ. Ðảng Dân tộc theo đường lối bảo thủ của Tổng thống Hernández lập luận rằng, theo phán quyết của Tòa án tối cao năm 2015, ông Hernández được phép tái tranh cử. Tuy nhiên, phe đối lập bác lại tuyên bố này, đồng thời cho biết tòa án không có quyền bãi bỏ các quy định của Hiến pháp năm 1982. Trong số chín ứng cử viên tham gia tranh cử lần này, ông Hernández được cho là người có triển vọng trúng cử nhất. Ngoài bầu tổng thống, cử tri Honduras cũng sẽ bầu ba phó tổng thống, 128 nghị sĩ Quốc hội và người đứng đầu 298 địa phương.

Nam Sudan: Tiêu diệt 22 phiến quân

Ngày 25-11, quân đội Nam Sudan (SPLA) thông báo đã tiêu diệt 22 phiến quân sau cuộc giao tranh kéo dài một tuần với nhiều vụ đụng độ. SPLA đã thu giữ mười súng AK-47 và một súng phóng lựu (RPG) của phiến quân tại các tỉnh thuộc miền bắc và miền trung. SPLA cho biết, các lực lượng đối lập vũ trang ở nước này gần đây đã tăng cường hoạt động thù địch nhằm thu hút sự chú ý của Cơ quan phát triển liên chính phủ (IGAD) để có thể được hiện diện trong cuộc họp tái thiết hòa bình dự kiến diễn ra trong tháng 12 tới.