* Yêu cầu di chuyển sáu bia công đức ra khỏi đền Trần Thái Bình
* Sai phạm nghiêm trọng tại Khu di tích quốc gia đền Trần
Ngoài sáu tấm bia đá do Hội đồng hương tỉnh Thái Bình tại Cộng hòa Séc công đức ngày 19-4 buộc phải di rời khỏi khuôn viên di tích, Thứ trưởng Bộ VH-TT và DL đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở VH-TT và DL, huyện Hưng Hà và Ban Quản lý Khu di tích tháo dỡ và di dời tiếp sáu bia đá và bia đồng dựng trái phép trước khi di tích này được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào ngày 31-12-2014.
Theo đánh giá của Bộ VH-TT và DL, việc địa phương tự ý đặt ba bia đá và ba bia đá ốp chất liệu kim loại đồng vào khu vực bảo vệ 1 của di tích sau khi xếp hạng di tích cấp quốc gia mà chưa có sự chấp nhận của các cơ quan chức năng và không thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định đã vi phạm pháp luật về di sản văn hóa.
Như vậy, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Trần Thái Bình có tổng cộng 12 tấm bia dựng trái phép.
Tất cả đều được thiết kế khá lớn với các hoa văn, họa tiết rồng, lá đề, chim thần, hoa cúc dây, sóng nước… đã sử dụng, copy, chỉnh sửa từ các hoa văn, họa tiết thời Lý – Trần tại các di tích và hiện vật khai quật khảo cổ như: chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Đọi Sơn (Hà Nam), chùa Thái Lạc (Hưng Yên), Hoàng thành Thăng Long…
Đa phần nội dung các văn bia được trích dẫn trong các tài liệu lịch sử, tuy nhiên nội dung văn bia do Ban Quản lý Khu di tích đền Trần Thái Bình tự soạn, chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và đồng ý. Quy cách trích dẫn, trình bày chưa thống nhất, chưa khoa học, còn lẫn lộn về ngữ pháp tiếng Hán cổ và tiếng Việt hiện nay. Thậm chí, có khá nhiều lỗi chính tả, phần dịch sang tiếng Anh còn có chỗ chưa chính xác, chỗ thì dịch, chỗ thì để nguyên tiếng Việt.
Đối với 12 tấm bia dựng trái phép, Bộ VH-TT và DL đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo địa phương tháo dỡ và di dời ra khỏi khuôn viên di tích trước ngày 15-5.
Đồng thời, Bộ đưa ra khuyến cáo cụ thể như sau: “Việc đưa các hiện vật vào Khu di tích phải thực hiện theo quy trình, thủ tục của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành. Cụ thể, Sở VH-TT và DL cần mời các nhà khoa học (sử học, Hán nôm, di sản văn hóa, mỹ thuật cổ, bảo tồn di tích…) thẩm định nội dung các văn bia, nếu nội dung có nhiều sai sót thì cần loại ra khỏi di tích. Bia nào đáp ứng yêu cầu nên xem xét làm thủ tục cho phép dựng tại di tích”.