Tìm hướng đi cho bảo tàng

|

Không chỉ thực hiện chức năng sưu tầm, bảo quản tư liệu, hiện vật, bảo tàng còn có nhiệm vụ rất quan trọng giới thiệu, quảng bá nhằm phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học đến cộng đồng. Vậy nhưng lâu nay, tình trạng vắng vẻ đìu hiu của không ít bảo tàng trong cả nước cho thấy có sự lãng phí lớn khi chưa làm tròn chức năng của mình.  

Vắng như bảo tàng

Ðến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Hà Nội), người xem không khỏi ngạc nhiên khi thấy dù là bảo tàng cấp quốc gia, một địa chỉ rất thú vị với trẻ em khi được khám phá thiên nhiên ngay giữa lòng thành phố, nhưng toàn bộ không gian trưng bày tại đây chỉ có diện tích 300 m2. Dù được thuyết minh, hướng dẫn tỉ mỉ, thời gian tham quan cũng chỉ từ 30 đến 60 phút là hết. Nhiều khách đến đều phản ánh, bảo tàng chưa đủ lớn để có thể mở rộng tầm mắt. Cũng bởi diện tích quá nhỏ cho nên hầu hết mẫu vật của bảo tàng vẫn nằm im trong kho. Là một trong số ít các bảo tàng về khoa học tự nhiên ở nước ta, song Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vẫn chưa phải là điểm thu hút khách tự thân; 80% số lượng khách đến là học sinh trong các hoạt động tham quan, trải nghiệm liên kết. Cũng vì quá chật hẹp mà bảo tàng dự kiến từ năm 2015-2025 sẽ hoàn thành dự án xây dựng một bảo tàng lớn với diện tích 30 ha tại Khu du lịch sinh thái Quốc Oai, Hà Nội.

Ngược lại, với không gian chật hẹp của Bảo tàng Thiên nhiên, Bảo tàng Hà Nội có diện tích mặt sàn trưng bày lớn gấp 100 lần; nhưng lượng khách tham quan lại… tỷ lệ nghịch! Với kinh phí đầu tư 2.300 tỷ đồng, được kỳ vọng là "địa chỉ đỏ" của người dân trong nước và du khách quốc tế, song sau chín năm khánh thành, đến nay bảo tàng vẫn thưa vắng khách. Hiện bảo tàng đang tạm dừng đón khách, phục vụ công tác thi công trưng bày thường xuyên với các chủ đề về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến để ra mắt công chúng vào cuối năm 2021. Còn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô, nơi lưu giữ và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, giá trị của nền mỹ thuật nước nhà có lượng khách đến tham quan trung bình mỗi năm cũng rất thấp, chỉ khoảng 50 - 60 nghìn lượt người, trong đó khách quốc tế chiếm 90%. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là địa chỉ hàng đầu với nhiều ưu thế vượt trội ở hiện vật quý hiếm, vị trí đắc địa ngay trung tâm Thủ đô và không gian, kiến trúc độc đáo, song lại chưa bao giờ lọt vào danh sách các điểm đến hàng đầu về văn hóa, du lịch. Cùng "cảnh ngộ" này, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh (quận Hà Ðông, Hà Nội) dù có nhiều hiện vật đặc sắc như pháo cao xạ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hầm chỉ huy cơ bản đường Trường Sơn, các phương tiện vận tải... cũng thưa vắng khách. Một số bảo tàng khác tại Hà Nội như Văn học, Lịch sử quân sự, Phòng không - Không quân... trong tình trạng tương tự, chỉ rôm rả khi đón khách tham quan từ các tua du lịch hoặc chương trình ngoại khóa, học chuyên đề của học sinh…

Không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, tại nhiều địa phương trong cả nước, bảo tàng vắng khách cũng là thực trạng phổ biến. Tọa lạc ngay phố trung tâm với diện tích hơn 8.000 m2, Bảo tàng tỉnh Hải Dương nhiều năm trong tình trạng đìu hiu vắng vẻ, chỉ có từ vài đến vài chục khách tham quan mỗi ngày. Các phòng trưng bày xập xệ dột nát phải đem xô, chậu hứng nước khi mưa, dùng bạt che chắn hiện vật. Giám đốc Vũ Ðình Tiến cho biết, cơ sở vật chất của bảo tàng thiếu thốn, nguồn kinh phí hạn hẹp chỉ đủ chi cho con người, chưa đầu tư được cho công tác chuyên môn. Còn Bảo tàng Nghệ An suốt 10 năm qua không trưng bày hiện vật, đón khách; khoảng 30 nghìn hiện vật, trong đó có cả bảo vật quốc gia vẫn nằm phủ bụi trong kho. Cùng cảnh ngộ này là Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình khi được xây dựng từ năm 2003 với kinh phí 17 tỷ đồng, song hơn 10 năm qua vẫn trong tình trạng "cửa đóng then cài", dù Quảng Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch. Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu vắng khách trầm trọng với con số vài người mỗi tháng…

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập; hiện đang lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử, trong đó có tới 120 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (trong tổng số 164 bảo vật quốc gia). Các bảo tàng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cũng như thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Tuy nhiên, phần lớn bảo tàng hiện mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thật sự trở thành nơi học tập hoặc những điểm đến hấp dẫn du khách; chưa gắn kết với các chương trình du lịch, thu được kinh phí từ hoạt động tham quan, là sự lãng phí tài nguyên du lịch. Theo thống kê, bình quân mỗi tỉnh có nhiều hơn một bảo tàng; song lượng khách tới bảo tàng ở các tỉnh chỉ đạt khoảng 10 nghìn lượt người mỗi năm, chủ yếu tập trung vào những dịp kỷ niệm, chương trình sinh hoạt chính trị, tư tưởng. Một số bảo tàng cả chục năm không đón đoàn khách tham quan nào; do vậy trở thành những "cái kho" bất đắc dĩ; hoặc cho thuê mặt bằng để tổ chức sự kiện, đám cưới, nhà hàng ăn uống, quán cà-phê... lộn xộn nhếch nhác, làm mất đi hình ảnh văn hóa cần có.

Ðể bảo tàng thành điểm đến hấp dẫn

Trong bức tranh chung ảm đạm, vẫn le lói những điểm sáng, khi một số bảo tàng trở thành điểm đến của du khách. Ðó là Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm trong quần thể di tích Lăng Bác (Hà Nội), nơi trưng bày những hiện vật, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng dân tộc; có số lượng khách tham quan khoảng từ 1 đến 1,5 triệu khách mỗi năm. Ba bảo tàng Việt Nam từng được chuyên trang du lịch uy tín hàng đầu thế giới Tripadvisor xếp vào tốp 25 "bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á" do du khách bình chọn là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh), Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Trong 35 năm hoạt động, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã đón tiếp hơn 15 triệu lượt khách tham quan trong nước và nước ngoài; hiện đạt khoảng 500 nghìn lượt khách tham quan mỗi năm. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nơi trưng bày và lưu giữ những giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, là địa điểm ưa chuộng của nhiều du khách nước ngoài tới Hà Nội; có doanh thu khoảng 12 tỷ đồng mỗi năm. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dẫu diện tích hạn hẹp vẫn nhộn nhịp, trung bình mỗi ngày đón khoảng 1.000 lượt khách. Ðáng chú ý, năm 2019, Bảo tàng Quảng Ninh trở thành bảo tàng đầu tiên trong cả nước tự chủ được hoàn toàn kinh phí hoạt động. Ðược thành lập từ cuối năm 2013, với hơn 9.000 hiện vật, đến nay, bảo tàng có khoảng 800 nghìn lượt khách tham quan; tăng trưởng từ 20 đến 40%/năm. Giám đốc bảo tàng Kiều Ðình Sơn cho biết, giải pháp hiệu quả là kết hợp với các công ty lữ hành để đưa bảo tàng trở thành một điểm đến; tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm…

Ðược biết, hằng năm, bảo tàng các tỉnh chỉ được cấp kinh phí khoảng 300 - 400 triệu đồng cho mỗi bảo tàng để phục vụ hoạt động chuyên môn, vì thế không thể tạo ra được những trưng bày hấp dẫn; tình trạng nhà trưng bày chật hẹp xuống cấp, kho tàng hiện vật chất đống là không tránh khỏi. Như vậy, sự lãng phí một phần cũng là do nhận thức, cách làm, ứng xử của các đơn vị có trách nhiệm với bảo tàng. Nhiều chuyên gia nhận xét, lâu nay làm bảo tàng dường như người ta chỉ chú ý đến cái vỏ bên ngoài (tòa nhà) mà không chú ý đến nội dung bên trong, không đầu tư cho trưng bày, nghiên cứu sưu tầm. Việc lồng ghép tương tác, trải nghiệm trong trưng bày giúp công chúng thu nhận thông tin hiện vật một cách chủ động, hiệu quả. Vì vậy, các cơ quan hữu quan quản lý, phối hợp hoạt động với các bảo tàng cần nghiên cứu, sáng tạo, thay đổi cách thức trưng bày từ tĩnh sang động; kết hợp công nghệ số; lồng ghép với các hoạt động trải nghiệm để thu hút khách tham quan. Nhiều năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một điển hình tiên phong trong cách sáng tạo nghệ thuật trưng bày, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

Tháng 7-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2887/BVHTTDL-DSVH gửi các bộ, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội ở trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc định hướng hoạt động bảo tàng. Công văn đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo, đầu tư kinh phí hợp lý cho hoạt động bảo tàng; đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Ðề án "Ðổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch" giai đoạn 2019-2021 do Bộ ban hành từ tháng 12-2018 cho hệ thống bảo tàng công lập. Trong đó tập trung vào các trọng tâm: Ðổi mới nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa để khắc phục tình trạng trùng lặp giữa các bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội, bảo tàng cấp tỉnh và sự khô cứng, thiếu hấp dẫn của các trưng bày hiện tại; đa dạng hóa hoạt động, dịch vụ bổ trợ, đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với công chúng; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo nguồn nhân lực... Tuy nhiên, theo đại diện Cục Di sản văn hóa, vẫn rất khó để kỳ vọng vào một sự lột xác toàn diện chỉ sau ba năm thực hiện đề án. Bởi lẽ, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa này gắn với phát triển du lịch sẽ cần đòi hỏi một sự áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực trạng khác nhau của mỗi bảo tàng.

Nguyên nhân thực trạng lãng phí của bảo tàng trước hết do không ít người dân chưa có thói quen tham quan, đến với bảo tàng. Bên cạnh đó, các nhà quản lý chưa thật sự quan tâm để có sự đầu tư phù hợp, tạo ra thiết chế văn hóa bổ ích; góp phần quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử và tạo nguồn thu cho nền kinh tế như nhiều nước trên thế giới.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học

Bên cạnh trưng bày thường xuyên, các bảo tàng cần đầu tư cho trưng bày chuyên đề với những kịch bản riêng đề cao tính tương tác, khơi gợi tìm tòi, suy nghĩ từ công chúng. Khi đó, bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật mà còn trở thành nơi phản biện xã hội, thu hút sự quan tâm, suy ngẫm của người xem.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Vân

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam