Nhạc sĩ Thế Song sinh năm 1933 tại Hà Nội; là người gần như dành trọn cả cuộc đời cho tình yêu âm nhạc. Năm 1955, ông tham gia Đoàn Ca nhạc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam với vai trò ca sĩ, sau đó trở thành cán bộ biên tập âm nhạc của Đài. Niềm đam mê âm nhạc đã giúp nhạc sĩ kiên trì tự học tất cả các môn từ hòa thanh, phối khí tới lý luận âm nhạc.
Bên cạnh việc dàn dựng các tiết mục âm nhạc phát sóng, ông luôn nỗ lực đổi mới, thành lập thêm nhiều chuyên mục âm nhạc để khơi dậy tình yêu, những cảm xúc âm nhạc sống động nơi người nghe. Sau khi về hưu, ông vẫn cộng tác với Ban biên tập Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động của Hội Âm nhạc Hà Nội với ba nhiệm kỳ là Ủy viên Ban Chấp hành Hội (từ năm 1995 đến 2010).
Là người đi nhiều, lăn lộn để cảm nhận từng hơi thở của cuộc sống, nhạc sĩ Thế Song đã để lại một gia tài âm nhạc quý giá với gần 600 ca khúc ở các thể loại, về nhiều đề tài khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là mạch nguồn cảm hứng về biển đảo và người lính, như: Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Biển chuyện tình hóa đá, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Hòn mưa, Sóng ru, Vũng Tàu tình yêu biển, Cát Bà tình em, Biển hẹn Cà Mau... Đặc biệt, tác phẩm in đậm dấu ấn của ông là ca khúc Nơi đảo xa làm rung động sâu sắc trái tim của hàng triệu người con đất Việt.
Cách đây đúng 39 năm, bài hát Nơi đảo xa ra đời giữa lúc cuộc chiến tranh biên giới phía bắc và tây nam nổ ra. Đó là thời gian nhạc sĩ Thế Song đi thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng thuộc tỉnh Quảng Ninh như Pò Hèn, Bắc Sơn... Khi trở về, tình cờ nghỉ chân tại trạm 48 Quân chủng Hải quân, ông gặp các chiến sĩ từ đảo Trường Sa trở về đất liền. Nhìn những gương mặt sạm nâu màu gió biển, hồn nhiên lạc quan kể chuyện về cuộc sống lính đảo đầy gian nan vất vả, không sợ hy sinh giữa nơi đầu sóng ngọn gió vì biển đảo Tổ quốc thiêng liêng, ông lặng người và ôm từng chiến sĩ xúc động, cảm thông và cảm phục. Ngay đêm hôm đó, ông thức trắng để viết và dọc đường trở về Hà Nội, tác phẩm Nơi đảo xa đã được hoàn thành.
Giai điệu và lời ca cứ thế vang lên da diết mà đầy hào hùng: Nơi anh đến là biển xa/Nơi anh đến ngoài đảo xa/Từng mảnh đất quê ta/Giữa đại dương mang tình thương quê nhà/Đây Trường Sa đây Hoàng Sa... Người được nhạc sĩ Thế Song chọn hát lần đầu tác phẩm này là ca sĩ Tiến Thành. Về sau còn có những ca sĩ khác thể hiện, như: Thanh Vinh, Trọng Tấn, Anh Thơ, Anh Bằng, Vũ Thắng Lợi, Tùng Dương…
Nhìn lại 39 năm đã qua, Nơi đảo xa không ồn ào bùng cháy một thời gian như một số tác phẩm, nhưng bài hát như dòng chảy lặng lẽ, thấm dần vào từng trái tim người lính và đông đảo công chúng yêu nhạc truyền cho người nghe, người xem bao thế hệ tình yêu thiết tha biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trong xây dựng và sẵn sàng bảo vệ đất nước trước mọi thách thức.
Viết về người lính đảo, nhạc sĩ Thế Song gần như gạt sang một bên sự ngợi ca phẩm chất hy sinh vất vả của họ. Thay vào đó là những lời tâm sự, niềm lạc quan yêu đời, tình yêu chan chứa với biển đảo, quê hương đất nước. Do vậy, từng giai điệu đến lời ca như thấm đẫm tình người, nghe rồi lại cứ muốn nghe mãi - kể cả lúc vui, buồn, lao động hay vui chơi giải trí... Ở đó, có thể cảm nhận được cái phi thường và sức sống mãnh liệt của tác phẩm gửi trọn trong tình yêu nhân ái cao đẹp giữa con người với con người dù muôn vàn xa cách. Tình yêu ấy được hòa tan trong dòng máu Việt Nam, để hướng về nhau, chung tay bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Hôm nay, nhạc sĩ Thế Song đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng Nơi đảo xa và nhiều tác phẩm khác của ông sẽ còn sống mãi với thời gian; tạc nên chân dung ông giữa mênh mông biển cả và vút cao những giai điệu, cung bậc thanh âm tình yêu...