Phát huy giá trị di sản tư liệu nâng cao hình ảnh quốc gia

|

NDO - NDĐT- Sáng 11-11, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức hội thảo quốc tế “Nâng cao hình ảnh quốc gia qua di sản tư liệu được UNESCO công nhận”. Đại diện Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP); gần 100 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự.

Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung về thực trạng công tác phát huy giá trị của các di sản tư liệu, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ở các cơ quan quản lý; hoạt động tuyên truyền, quảng bá và kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc khai thác danh hiệu di sản tư liệu, nhằm quảng bá, nâng cao hình ảnh quốc gia…

Cũng tại hội thảo một số giải pháp nâng cao giá trị di sản tư liệu được nhiều đại biểu đề xuất, như nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản tư liệu; xây dựng, hoàn thiện quy hoạch các chuỗi liên kết di tích - di sản tư liệu; gắn việc kết nối di tích, di sản tư liệu với phát triển du lịch; tăng cường công tác quảng bá, khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của di sản để tạo sản phẩm đặc thù…

Công chúng tìm hiểu về Mộc bản Triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Đến nay, Việt Nam có bốn tư liệu được UNESCO công nhận là di sản tư liệu, gồm: Mộc bản Triều Nguyễn (2006), Bia Tiến sĩ Văn miếu Quốc Tử Giám (2010), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và Châu bản Triều Nguyễn (2014).

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam, Phó chủ tịch MOWCAP, TS. Vũ Thị Minh Hương cho rằng: “Di sản tư liệu có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc. Bốn di sản tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là nguồn tư liệu có độ tin cậy cao, nguồn tư liệu đặc biệt quý giá để nghiên cứu khách quan, toàn diện về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam; có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước của quá trình hội nhập quốc tế toàn diện”.