Năm 2016, NSND Lệ Ngọc cùng chồng là nghệ sĩ Văn Hải, quyết định thành lập Sân khấu Lệ Ngọc - sân khấu kịch xã hội hóa đầu tiên tại miền bắc, với rất nhiều khó khăn. Ở thời điểm đó, kịch đã qua thời hoàng kim, những làn sóng mới du nhập khiến khán giả dần bị hấp dẫn bởi những loại hình nghệ thuật khác, hiện đại hơn. NSND Lệ Ngọc bộc bạch: Lúc đó, tuy gặp nhiều trắc trở trong việc phát triển chuyên môn và vấn đề tài chính nhưng tôi quyết tâm đầu tư một sân khấu tư nhân đúng tầm. Mới đầu rất vất vả nhưng chưa bao giờ tôi thấy nản. Sau dần, sự thích ứng với thị hiếu khán giả và lựa chọn hướng đi đúng đắn đã giúp Sân khấu Lệ Ngọc vượt khó, hoạt động bền bỉ tới hôm nay.
40 năm trải qua hàng trăm vai diễn, hàng nghìn lần cùng sân khấu “sáng đèn”, NSND Lệ Ngọc vẫn tiếp tục gây ấn tượng mạnh đối với khán giả bằng khả năng diễn xuất linh hoạt, tự nhiên. Đa dạng trong các kiểu vai là sự khẳng định cho tài năng diễn xuất của bà. Khi độc ác như chánh phán trong Cây tre thần, người mẹ kế trong Tấm Cám; lúc lại đầy thánh thiện như mẹ vua Lý Công Uẩn…
Trong vở Thị Nở - Chí Phèo, NSND Lệ Ngọc khiến người xem trầm trồ khi nhanh chóng thay đổi từ hình ảnh bà Ba nhà Bá Kiến hách dịch, lẳng lơ thành một Thị Nở đầy ngây thơ, hồn nhiên. Trong vở diễn mới nhất Quan Âm Diệu Thiện ra mắt tháng 11 vừa qua, bà tiếp tục thể hiện thành công vai Công chúa Ba Diệu Thiện, con gái vua Trang Vương trong hành trình cứu khổ, cứu nạn, nhập niết bàn và được sắc phong Đức Phật Bà Hương Tích. Trong vở Ngũ biến, bà tự hóa thân trong năm vai diễn. Bên cạnh kỹ năng diễn xuất bậc thầy, NSND Lệ Ngọc còn được trân trọng bởi thanh sắc, đài từ trên sân khấu, sự tận tụy đầu tư trong từng vai diễn, không gò bó trong một khuôn khổ, một hình ảnh cố định nào.
NSND Lệ Ngọc luôn đau đáu với việc tìm kiếm tài năng trẻ. Bà trực tiếp đến các trường nghệ thuật để tuyển chọn những gương mặt mới. Sau đó, bà dành rất nhiều thời gian, tâm huyết đào tạo, giúp các học trò thành công. Nhiều nghệ sĩ thế hệ sau này coi NSND Lệ Ngọc như “người thầy đãi cát tìm vàng” đích thực, bởi công tác đào tạo nghệ sĩ kịch không hề dễ dàng và không nhiều người sau đó đạt được hào quang trên sân khấu.
Nghệ sĩ Nguyễn Huy Hoàng, người có 14 năm theo đuổi kịch cũng là một trong những học trò được NSND Lệ Ngọc truyền nghề chia sẻ: Tôi may mắn được theo đuổi nghệ thuật dưới sự dạy dỗ của NSND Lệ Ngọc. Nhiều năm trui rèn trên Sân khấu Lệ Ngọc đã giúp tôi vừa được sống với nghề, vừa phát triển khả năng. Nguyễn Huy Hoàng là nghệ sĩ xuất sắc được nhận giải “Hoa dâm bụt” của Liên hoan Sân khấu ASEAN cho vai diễn Thái giám trong vở Tấm Cám.
Các tác phẩm kịch của Lệ Ngọc dần được đón nhận, đánh giá cao. Điều này góp phần truyền tình yêu nghệ thuật tới công chúng, lan tỏa thông điệp cao đẹp, giá trị nhân văn cũng như lưu giữ cội nguồn văn hóa dân gian.
Đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Nghệ thuật là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất, nhưng Sân khấu Lệ Ngọc vẫn tiếp tục giới thiệu đến công chúng nhiều vở diễn ấn tượng như Huyền thoại gò Rồng Ấp, Tình bạn và Công lý, Quan Âm Diệu Thiện. Đáng chú ý, khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát, rất nhiều tua lưu diễn cùng hàng trăm suất diễn được NSND Lệ Ngọc tổ chức và “cháy vé” trong hành trình từ bắc chí nam. Nổi bật có thể kể đến tua lưu diễn “Tìm về văn hóa cội nguồn” tại TP Hồ Chí Minh với ba vở Cây tre thần, Thị Nở - Chí Phèo, Hoa sen lửa. Dịp Tết Trung thu vừa qua, chương trình nghệ thuật “Thắp đèn đón trăng” với vở kịch cổ tích Tấm Cám tạo nên “cơn sốt vé” ở Thủ đô. Cùng thời điểm này, Tấm Cám được biểu diễn trong sự kiện “Cổ tích nhiệm màu - lấp lánh yêu thương”, đánh dấu lần hợp tác đầu tiên giữa Sân khấu Lệ Ngọc và mạng xã hội Lotus. Trong đó, Sân khấu Lệ Ngọc lần đầu đưa những vở kịch của mình tiếp cận khán giả qua hình thức số hóa.
NSND Lệ Ngọc cho biết: Dù liên tục giới thiệu vở diễn mới nhưng các tác phẩm của Sân khấu Lệ Ngọc luôn được đầu tư chỉn chu. Điều này cũng được thể hiện rõ khi trong hai tháng 11 và 12, chuỗi chương trình “Kịch nghệ - Ngọn lửa tình yêu giữa Sài thành hoa lệ” của Sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục khiến khán giả TP Hồ Chí Minh phải trầm trồ.
Những nỗ lực bền bỉ, không biết mệt mỏi của nghệ sĩ tài hoa ấy đã được đền đáp xứng đáng. Hai vở kịch Kim tử và Ngũ biến lần lượt giành giải “Hoa dâm bụt” cho vở diễn và diễn viên xuất sắc nhất (Liên hoan Sân khấu ASEAN tại Nam Ninh, Trung Quốc năm 2016 và 2018). Vở kịch Tình bạn và Công lý mang về Huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân. Tháng 10-2019, tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ tư, NSND Lệ Ngọc giành Giải vàng với vai Phạm Thị Ngà trong vở diễn Huyền thoại gò Rồng Ấp.
Bên cạnh giải thưởng, hàng loạt tác phẩm của Sân khấu Lệ Ngọc cũng được mời tham dự các liên hoan sân khấu quốc tế uy tín. Các vở Ngũ biến, Kim tử, Thị Nở - Chí Phèo, Tấm Cám… đã được trình diễn trên các sân khấu danh tiếng tại Pháp, I-ta-li-a,Trung Quốc, Xin-ga-po, Băng-la-đét… Đối với NSND Lệ Ngọc, điều này như một giấc mơ đã thành hiện thực. Nhưng đây chính là phần thưởng xứng đáng sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực để góp phần khẳng định vị trí của kịch nghệ Việt Nam trên trường quốc tế.
Tháng 9 vừa qua, Sân khấu Lệ Ngọc vinh dự được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc với mô hình xã hội hóa sân khấu nhiều năm liền tại Thủ đô. NSND Lệ Ngọc được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba về thành tích trong công tác xã hội hóa, bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu. Từ sự cống hiến xuất sắc đó, bà vinh dự là một trong 2.300 đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.