Nghệ thuật phản ánh cuộc đấu tranh của trẻ em trong đại dịch Covid-19

|

NDO - Trải qua những biến động lớn trong cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 khiến cho trẻ em ở lứa tuổi thiếu niên trở nên nhạy cảm về tâm lý, dễ xúc động hơn. Những cảm nhận về cú sốc tâm lý này được các em thể hiện trong những tác phẩm nghệ thuật hưởng ứng lời kêu gọi của một nhóm các nhà nghiên cứu về trẻ em ở Canada.

Những khủng hoảng được phản ánh bằng nghệ thuật

Một nhà nghiên cứu trong dự án phân tích các tác phẩm nghệ thuật cho biết bộ sưu tập những bức vẽ của trẻ em được thực hiện trong đại dịch đã minh họa rõ ràng nhất những tổn thương tinh thần mà Covid-19 đã gây ra cho giới trẻ tại Canada.

Nhiều bài dự thi của trẻ em và thanh thiếu niên trên trang childart.ca đã mô tả những con người đơn độc, bị ám ảnh bởi những bóng ma tâm lý hay thậm chí tệ hơn chính là bởi suy nghĩ của bản thân mình.

Nikki Martyn, người đứng đầu chương trình Nghiên cứu thời thơ ấu tại Đại học Guelph – Humber cho biết, những hình ảnh này đã vẽ nên một bức tranh rõ nét nhất về những thử thách trong cuộc sống của giới trẻ khi bị cách ly trong giai đoạn đại dịch sẽ hình thành nên thế hệ kế tiếp như thế nào.

Trong các nghiên cứu đang được tiến hành, Martyn cho biết, những quan sát ban đầu cho thấy những tác động từ đại dịch trong thời gian dài có thể tạo nên một cơn chấn động cảm xúc đối với giai đoạn phát triển quan trọng của thanh thiếu niên. Giai đoạn dậy thì là thời điểm giới trẻ gặp rất nhiều khó khăn để thích ứng, nhưng với việc xuất hiện thêm Covid-19 trong thời gian này cùng với hoàn cảnh thường xuyên bị cách ly, mắc kẹt ở nhà đã khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy như họ không có tương lai để mong đợi. Nikki Martyn cho biết: “Phần buồn nhất đối với tôi… đó là sự mất mát khi không thể thấy được cuộc sống bên ngoài. Có quá nhiều nỗi đau và quá nhiều cuộc đấu tranh vào thời điểm hiện tại mà tôi nghĩ cần được chia sẻ, cần được biết đến để hỗ trợ người trẻ và giúp họ trở thành những người trưởng thành khỏe mạnh”.

Kể từ tháng 9- 2020, nhóm của Martyn đã nhận được hơn 120 tác phẩm gửi đến từ những bạn nhỏ có độ tuổi từ hai đến 18 trên khắp đất nước Canada. Các tác phẩm này đều được gửi ẩn danh dưới sự cho phép của cha mẹ cùng với một số thông tin cơ bản được xác nhận bằng văn bản khi gửi tác phẩm đến dự án. 

Điều này đã khiến Martyn thực sự ngạc nhiên trước số lượng và tài năng sáng tạo đến từ các tác phẩm mà dự án đã thu hút được, với nhiều bài dự thi từ nguệch ngoạc, phác thảo, bản vẽ kỹ thuật số, tranh vẽ, phấn màu, ảnh và thậm chí cả một tác phẩm âm nhạc.

Các nhà nghiên cứu đã gửi lời kêu gọi tới những nghệ sĩ trẻ tuổi tại nhiều trường học cũng như trên phương tiện truyền thông xã hội. Martyn cho biết phần lớn bộ sưu tập bao gồm một số tác phẩm được hoàn thành vội của những bạn trẻ có độ tuổi từ 14 đến 17. Khi số lượng tác phẩm dần được chọn lọc, Martyn đã bị ấn tượng bởi những mô tả đầy mạnh mẽ đôi khi bằng hình ảnh, diễn tả sự lo lắng, tuyệt vọng và bị cô lập ở tuổi vị thành niên. Các chủ đề được lặp lại nhiều lần với những hình ảnh của các nhân vật bị giam cầm, khuôn mặt đang la hét, những hiện tượng ảo ảnh, hình ảnh đẫm máu cùng bóng tối luôn hiện hữu trong nhiều tác phẩm. Bên cạnh đó còn xuất hiện một số hình ảnh ẩn chứa những ám chỉ về việc tự làm hại bản thân mà Martyn coi là một minh chứng cho những nỗi đau đã gây ra cho trẻ em cũng như đối với những người đã tham gia vào nghiên cứu. Một số nghệ sĩ đã không ngừng đưa ra những lo lắng liên quan đến việc đại dịch lan tràn trong cuộc sống hàng ngày, trong khi những người khác lại bày tỏ cảm xúc của sự suy sụp. 

Martyn cho biết nhiều bạn trẻ tham gia đã viết về việc phải vật lộn để có thể tiếp tục đến trường, trong khi một số khác đang phải giải quyết các vấn đề về gia đình như mất việc làm, bệnh tật thậm chí là tử vong. Cô lưu ý rằng những cảm giác và thách thức này là điều hoàn toàn bình thường với người lớn khi họ đã quen với những thăm trầm mà cuộc sống mang lại. Nhưng với các bạn trẻ, đặc biệt trẻ em ở lứa tuổi dậy thì ít được bồi dưỡng các kỹ năng đối phó để vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. 

Nghệ thuật chính là một công cụ để giao tiếp

Một liên minh các bệnh viện Nhi tại Canada đã cảnh báo rằng đại dịch đang làm tăng cao cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm lý ở lứa tuổi thanh thiếu niên với những hậu quả “thảm khốc” có thể xảy ra trong cả ngắn hạn và dài hạn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Những thông tin này là hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu từ các đợt bùng phát trước đó.

Theo một báo cáo của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần trẻ em và Thanh niên Ontario đưa ra vào tháng 8, những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương hơn trước với các tác động tâm lý tiêu cực của việc bị cách ly, bao gồm việc tăng nguy cơ căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm, lo lắng và nhiều vấn đề liên quan đến hành vi. Báo cáo này dựa trên cuộc khảo sát trực tuyến với 1.300 trẻ em và thanh thiếu niên Oritario tham dự. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy gần 2/3 số người được hỏi cảm thấy sức khỏe tâm lý của họ xấu đi kể từ khi Covid-19 tấn công, điều này đã khiến cho việc học bị dừng đột ngột, mất kết nối với bạn bè và không chắc chắn về tương lai là những nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh.

 

Lydia Muyingo, một nghiên cứu sinh về tâm lý học lâm sàng tại Đại học Dalhousie, cho biết khi xem qua những hình ảnh trong phòng trưng bày của childart.ca, cô có thể cảm nhận được những lo lắng này đang gây ra sự hỗn loạn điển hình trong tâm lý của một một thiếu niên sẽ như thế nào. Tuổi mới lớn là thời điểm để những người trẻ hiểu ra mình là ai thông qua các trải nghiệm mới, sở thích và tương tác xã hội. Sự chuyển đổi này có xu hướng mang lại cho giới trẻ những cảm xúc mãnh liệt hơn và chính đại dịch đã là yếu tố làm ảnh hưởng trầm trọng thêm sự biến động này bằng cách thay thế nhiều cảm xúc lo lắng quen thuộc về việc hòa nhập bằng nỗi sợ hãi về tỷ lệ tử vong. 

Muyingo cho biết cô được khuyến khích khi thấy rằng dự án childart.ca đang mang đến cho giới trẻ một lối thoát của những cảm giác khó khăn mà họ thậm chí không thể nói ra được. Cô khuyến khích người lớn nên để mắt nhiều hơn đến những cuộc đấu tranh thầm lặng của trẻ em, có thể làm gương bằng cách chia sẻ những tổn thương của mình với các em. Cô nói: “Tôi nghĩ các bậc cha mẹ đôi khi sợ hãi khi nói về những chủ đề tối tăm, nhưng thực tế là bọn trẻ biết nhiều hơn chúng ta nghĩ. Tôi nghĩ các tác phẩm nghệ thuật này có thể được sử dụng như một công cụ để truyền đạt rằng cảm nhận theo cách này là ổn”.

Nghiên cứu này đã mang lại cho cô hy vọng về một tương lai được dẫn dắt bởi thế hệ bị cách ly có thể phát triển như thế nào, bởi vì trong khi nỗi đau lan tỏa trên nhiều hình ảnh minh họa, cũng có những biểu tượng của sự kiên cường, kết nối và lòng trắc ẩn. “Mong muốn của tôi là có một cuộc triển lãm nghệ thuật trong một phòng trưng bày, người xem có thể đến, cảm nhận, được bao bọc bởi những tác phẩm và có những trải nghiệm đầy đủ ý nghĩa và sống động về những gì mà trẻ em ở Canada đã phải trải qua.”