Ứng xử với di sản: Tránh trùng tu kiểu phá di tích

|

NDO - NDĐT- Trong nhiều năm nay, khi đời sống người dân khấm khá lên, một số nơi muốn trùng tu, sơn sửa lại các di tích của địa phương mình, như đình làng, đền, chùa… Nhưng nhiều khi do ý muốn chủ quan, không có những kiến thức, hiểu biết cũng như kinh nghiệm cơ bản về trùng tu di tích, cho nên nhiều công trình đã “biến dạng”, thay đổi hoàn toàn sau khi được sửa sang.

Quá muộn để chữa cháy

Mới đây nhất, đình Trùng Hạ, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình vừa được địa phương sơn lại với hai màu đỏ và vàng. Toàn bộ các cấu kiện gỗ chạm trổ tinh xảo rất đẹp đã bị những lớp sơn này phủ lên.

Đình Trùng Hạ cùng với đình Trùng Thượng thuộc thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn. Đình là di tích cấp quốc gia thờ năm vị: Đông Hải đại vương, Sóc Giang đại vương, Trang Hiền đại vương, Hưng Đạo đại vương và Quốc Mẫu. Đình Trùng Hạ hiện còn giữ lại được nhiều bộ vì nóc, các bức y môn cùng những mảng chạm vô cùng tinh xảo, khéo léo, thậm chí là tinh xảo và tỉ mỉ hơn so với nhiều mảng chạm cùng thời kỳ. Các chi tiết được chạm trổ tỉ mỉ, từ các con vật linh như rồng, hổ…, các chi tiết trang trí như hoa lá, cúc, mai…, cảnh thú đuổi nhau, mặt trời, mặt trăng. Điểm đặc biệt là các bộ vì của đình được chạm trổ cả hai mặt, trong khi ở hầu hết các công trình kiến trúc khác cùng thời kỳ (thế kỷ 16-17), các chi tiết chỉ được chạm trên một mặt.

Đình Trùng Hạ trước khi bị sơn.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho biết, năm 2012, ông từng cùng PGS.TS Trần Lâm Biền về nghiên cứu để chuẩn bị ra cuốn sách “Đình làng Việt”, đây cũng là đề tài nghiên cứu cấp Bộ của PGS.TS Trần Lâm Biền. Đến tháng 9-2019, đình bắt đầu được sơn. Và đến đầu năm 2020, toàn bộ các cấu kiện gỗ trong đình đã được sơn đỏ, phủ hết lên những chi tiết chạm trổ tinh xảo.

Vụ việc này khiến chúng ta nhớ đến những thí dụ cách đây không lâu về việc tôn tạo, tu sửa công trình kiến trúc, mỹ thuật lịch sử mà phá hỏng luôn công trình. Năm 2018, đình Văn Xá (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam), địa phương cũng đã tự ý phủ sơn đỏ cho toàn bộ các kết cấu vì kèo của đình, che hết các chi tiết chạm khắc gỗ tinh xảo. Độ bóng của sơn đã làm mất hết đường nét, hình khối điêu khắc có giá trị của đình. Sau khi các phương tiện truyền thông và các nhà nghiên cứu lên tiếng, đình đã phải khắc phục nhưng khó có thể trả lại nguyên trạng như cũ của các cấu kiện gỗ.

Trước đó cũng không lâu, cũng trong năm 2018, đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị hạ giải toàn bộ cấu kiện gỗ và thay bằng đó là hệ thống vì kèo bằng bê-tông. Đình cũng sở hữu những mảng chạm bằng gỗ tuyệt đẹp và cầu kỳ có niên đại từ thế kỷ 17. Khi dư luận lên tiếng thì “sự đã rồi”, hậu quả không thể khắc phục.

Rất nhiều những thí dụ khác như chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) bị đập bỏ hai cổng ngách hai bên gác chuông để xây mới, chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) bị dỡ nhà Tổ và gác khánh để xây lại…

Mới đây nhất, di tích Cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Trực, tỉnh Nam Định), di tích cấp Quốc gia và là một trong ba cây cầu ngói có tuổi đời hàng trăm năm, trong quá trình tu tạo, sửa lại, đã bị trát phẳng và sơn giả đá lên toàn bộ phần cổng, làm mất toàn bộ hoa văn và vẻ đẹp cổ kính của cây cầu. Được biết, cây cầu xuống cấp, địa phương xin sửa, phần sửa cầu và mái ngói có sự giám sát của đại diện Ban quản lý Di tích và danh thắng thì được sửa đúng như nguyên gốc, nhưng phần cổng do địa phương huy động kinh phí xã hội hóa, trát lại và lát đá làm mất đi nguyên bản.

Với những công trình bị tu sửa kiểu hủy hoại như thế này, việc khắc phục hậu quả gần như là không thể, ngoài cách chờ thời gian làm bay màu (đối với sơn).

Cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng

Với rất nhiều di tích nằm rải rác ở các địa phương, và chịu sự quản lý của địa phương, những sự việc trùng tu theo kiểu “phá di tích” như thế này khó có thể tránh được bởi công trình thường phục vụ cho các mục đích sinh hoạt chung của cộng đồng cư dân ở địa phương đó, và khi cộng đồng có ý muốn chung tay góp tiền tu sửa công trình, thì thường sẽ tu sửa theo ý muốn của họ.

Điều quan trọng ở đây là cơ quan quản lý ở từng địa phương phải nắm được thông tin của mỗi di tích lịch sử, kiến trúc ở địa bàn mình. Khi đã nắm rõ rồi, cần làm cho người dân hiểu được giá trị về kiến trúc, mỹ thuật, giá trị lịch sử của công trình. Như vậy, khi người dân hiểu được, tự khắc họ sẽ có cách tu sửa công trình sao cho đúng với nguyên bản nhất. Bài học từ nhiều nơi cho thấy, những di tích ở địa phương một khi đã được cộng đồng hiểu đúng giá trị, sẽ được bảo vệ an toàn và chặt chẽ.

Đây cũng là bài học về quản lý di sản, một bài học không mới và không biết bao giờ mới cũ, khi năm nào cũng có vài công trình bị “sửa” hỏng như thế này.