Thương tiếc Nam Hà - nhà văn chiến sĩ

|

Thế là nhà văn Nam Hà, người bạn đồng nghiệp, đồng hương xứ Nghệ, người anh lớp trước của tôi ở Tạp chí Văn nghệ quân đội đã vĩnh biệt chúng ta vào ngày 19-5.

Nhà văn Nam Hà tên thật là Nguyễn Anh Công, sinh ngày 18-1-1935, tại xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Những năm 1950-1951, anh từng làm phóng viên báo Giữ làng của tỉnh đội Nghệ An, sau là biên tập viên và cán bộ sáng tác thuộc Tạp chí Văn nghệ quân đội. Với nhiều anh, chị em nhà văn, nhà thơ ở tạp chí, Nam Hà có nhiều điều để nhớ.

Tháng 9-1979, tôi được chuyển công tác từ Báo Quân đội nhân dân sang Tạp chí Văn nghệ quân đội. Thế là lại thêm một công dân xứ Nghệ gia nhập vào cái “đại gia đình” vốn đã khá đông người Nghệ Tĩnh này. Trong số các thành viên của “Đội quân Nghệ ở Văn nghệ quân đội” như tên một bài báo viết rất vui của tôi, anh Nam Hà là một gương mặt nổi trội. Nổi trội vì tính cách hiền hậu, khiêm nhường, tác phong hăng hái trong mọi công việc chung; nhưng đặc biệt nhất là sức lao động chăm chỉ và cần cù trên trang viết.

Trong bài báo nêu trên, tôi đã viết những dòng này về anh: “Còn cần cù cuốc bẫm cày sâu ư? Liệu có ai sánh kịp Nam Hà tiên sinh? Số đầu sách của tiên sinh đến giờ này dồn lại, chất lên dễ đã cao ngang thắt lưng, cuốn nào cũng dày, cuốn nào cũng nặng… Đọc sách của ông như ngồi trên cao quan sát một trận đánh lớn, vừa có cái tầm bao quát của cả chiến dịch vừa không bỏ sót một chi tiết, một số phận nào. Nhưng kỳ lạ nhất là tất cả thần thái ấy lại được cô đọng vào trong vẻn vẹn mấy câu thơ ông làm từ thuở vượt Trường Sơn vào cực Nam Trung Bộ, mấy câu thơ đẹp vào hàng tiêu biểu cho thơ thời chống Mỹ: Đất nước của những người con gái con trai / Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt... Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng nói rằng, chính vì những câu thơ như thế mà ông đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ…”.

Điều thú vị thứ hai mà tôi ghi nhớ từ nhà văn Nam Hà, là trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh có nhiều năm chiến đấu và sáng tác ở mảnh đất cực Nam Trung Bộ, tức Quân khu 6, nơi mà đầu xuân năm 1975 tôi lại được Báo Quân đội nhân dân phân công vào công tác để chuẩn bị phản ánh cục diện mùa xuân 1975. Còn nhớ, biết tôi sắp vào, anh Nam Hà đã tận tình chỉ bảo về tình hình bên ta, bên địch trong ấy, dặn dò cách xử lý khi gặp sự cố và giới thiệu cho tôi những bạn bè của anh còn ở đó. Khi vào đến chiến trường cực Nam Trung Bộ, chúng tôi mới hiểu hết sự gian khổ, ác liệt vô cùng, nhất là cuộc sống thiếu thốn trăm bề của cái mảnh đất ở xa cả hai đầu hậu phương miền bắc và Trung ương cục miền nam.

Theo dấu chân các anh đi trước, chúng tôi lại trèo đèo lội suối, qua những cái dốc cao vút của tỉnh Lâm Đồng - mà anh em vẫn nói đùa là dốc “Long đầu”, biết thế nào là chiếc lá bép vẫn là thức ăn cơm bữa của lính tráng ở đây, biết những bữa cơm toàn củ mì thay gạo, thiếu đến cả hạt muối mặn nhưng đã thành sơn hào hải vị… Chao ôi, một cuộc sống như thế, tồn tại được đã khó, không chỉ ngày đi theo bộ đội đánh trận, lên nương trồng sắn, trồng ngô, đói ăn khát uống, thêm những trận sốt rét da xanh như lá…, thế mà các nhà văn tối tối lại chong ngọn đèn dầu tự tạo, ngồi cần mẫn cho ra hết truyện ngắn này đến truyện dài khác; cổ vũ đồng đội chiến đấu và gửi ra miền bắc in hết tập này đến tập khác…

Sau này, mấy năm gần đây, tôi có việc sang Nhà xuất bản Hội Nhà văn, gặp anh Nam Hà cũng sang lấy sách vừa in. Nhìn nhà văn già in hằn dấu ấn tuổi tác, mệt mỏi đang dường như bị cả núi tác phẩm của mình “nuốt chửng”, không chỉ riêng tôi mà nhiều người khác vừa kinh ngạc, vừa khâm phục và kính trọng. Với một sự nghiệp sáng tác đồ sộ ở các thể loại ký sự, truyện ngắn, tiểu thuyết…, anh từng nhận nhiều giải thưởng giá trị và vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Những điều ấn tượng nhất về nhà văn Nam Hà, nhất là với một người làm thơ như tôi, ấy là với một khối lượng tác phẩm văn xuôi không nhỏ và được nhiều bạn đọc hâm mộ như vậy, nhưng cuối cùng anh lại khiến đông đảo mọi người nhớ đến nhất chính là từ một bài thơ (có thể gọi là hiếm hoi trong kho tàng tác phẩm của anh). Đó là Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!, bài thơ hay và thấm thía đến mức có thể dùng làm biểu tượng cho cả cuộc đời sống và sáng tác của nhà văn; có sức khái quát và vẽ đúng tâm hồn của cả một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Còn nhớ, trong một chương trình văn nghệ lớn do Tổng cục Chính trị và Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hà Nội, chúng tôi đã lấy tên bài thơ tuyệt vời này của anh để làm tiêu đề cho cả chương trình.

Một nhà văn sống trọn đời cho sáng tạo văn học cách mạng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng đúng như câu thơ anh từng khẳng định, người chiến sĩ - nhà văn Nam Hà dẫu ra đi, nhưng Tổ quốc Việt Nam của chúng ta còn sống mãi…