Đến nay, 15 tỉnh, thành phố có câu lạc bộ ca trù, riêng Hà Nội có 22 câu lạc bộ gồm các câu lạc bộ ca trù Hà Nội, Thái Hà, Văn Miếu cùng những câu lạc bộ thuộc các trung tâm văn hóa và các gia đình. Còn nhớ, khi ca trù được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cả nước chỉ có khoảng 20 nghệ nhân được biết đến, trong đó hầu hết đã cao tuổi.
Tuy nhiên, đến Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 đã có tới một trăm nghệ nhân của 26 đơn vị, câu lạc bộ đến từ 12 tỉnh, thành phố tham gia. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Tổng đạo diễn kiêm cố vấn chuyên môn của liên hoan cho biết: "Nét đặc biệt trong liên hoan lần này là nghệ thuật ca trù đã có sự chuyển giao thế hệ. Một lớp nghệ nhân kế cận đã xuất hiện và ngày càng nhiều hơn lớp ca nương, nhạc công trẻ". Tính ra, cả nước đã có một đội ngũ nghệ nhân ca trù mới từ 15 đến 50 tuổi. Điều đó cho thấy ca trù đã thoát khỏi tình trạng đứng bên bờ vực thẳm của sự thất truyền, mở ra khả năng trở lại trong đời sống văn hóa của cộng đồng.
Với số lượng đông nghệ nhân tham gia liên hoan đã khiến cho các buổi diễn xướng rất sinh động và hấp dẫn. Mỗi câu lạc bộ tự xây dựng chương trình của mình theo năm tiêu chí: Không gian ca trù, giọng hát ca trù hay, tay đàn ca trù giỏi, giọng hát ca trù triển vọng và tay đàn ca trù triển vọng. Nếu như các cuộc liên hoan trước đây chỉ trình diễn có bốn thể cách, thì lần này có năm thể cách mang tính kinh điển như hát mở, hoặc hát mở cửa đình, thét nhạc, gửi thư... trong đó có thể cách ngâm vọng bị chìm lắng khá lâu trong đời sống ca trù nay cũng được phục dựng. Các nghệ nhân đã nắm chắc thể cách ca trù trong tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng phách thể hiện sự học hỏi, tiếp thu nghề của lớp nghệ nhân đi trước rất bài bản và nghiêm túc.
Điều đặc biệt là liên hoan có nhiều ca nương ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên cũng dự thi tài. Có những em mới ở độ tuổi 11-12, thậm chí có em mới 4 tuổi. Câu lạc bộ ca trù Hà Tĩnh có cả một nhóm ca nương sáu người ở độ tuổi từ 16 đến 18. Các ca nương "nhí" cũng vừa hát, vừa gõ phách, cùng lúc phải thực hiện hai động tác khác nhau, cố gắng vươn tới để phách trở thành giọng hát thứ hai đồng điệu cùng lời ca nhấn, láy.
Sau khi nghệ thuật ca trù được UNESCO vinh danh, chúng ta đã làm tốt công việc truyền dạy loại hình nghệ thuật này. Rất nhiều học viên trở về địa phương đã phát huy tác dụng. Bên cạnh các lớp học chính thống còn có sự truyền dạy ở các câu lạc bộ và các gia đình.
Nghệ nhân Bạch Vân (Câu lạc bộ ca trù Hà Nội) đã bỏ rất nhiều công sức đi mời thầy dạy là những nghệ nhân giàu kinh nghiệm đến truyền dạy cho các học viên của câu lạc bộ. Còn các gia đình thì thực hiện phương thức "cha truyền con nối", nổi bật là gia tộc ông Nguyễn Văn Mùi ở phố Thụy Khuê, Hà Nội đã có bảy đời giữ lửa ca trù.
PGS, TS Vũ Nhật Thăng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nghệ thuật của liên hoan nhận xét: Qua liên hoan ca trù lần này, ta thấy rõ ba xu hướng hoạt động ngoài biểu diễn của các câu lạc bộ như sau: "Thứ nhất, trao truyền kỹ thuật biểu diễn cho lớp người trẻ. Thứ hai, quan tâm tới việc khai thác vốn cổ để làm giàu thêm tiết mục cho câu lạc bộ. Thứ ba, tìm cách phóng tác làm phong phú hơn nhạc ca trù". Ông cũng nhấn mạnh: "Muốn tiếp thu truyền thống của cha ông, chúng ta phải lưu ý đến điều kiện tối thiểu cần thiết để thực hiện, mà cụ thể là người trẻ cần phải được học hành, luyện tập một cách nghiêm túc trong một thời gian dài thì mới được coi là nhập môn chứ không thể trong một thời gian ngắn mà thành nghề được".