Người luôn trẻ cùng những vai diễn

|

Ðến nay, NSƯT Trần Ðại Mý đã có gần 30 năm công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Anh kể, mình đến với tuồng một cách "không giống ai"…

Nghệ sĩ Ưu tú Ðại Mý sinh năm 1962 tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hồi nhỏ, anh vừa học vừa phải đi làm thuê nghề thợ xây, gặt lúa để phụ giúp gia đình. Anh rất thích và hay hát các bản nhạc đỏ, cải lương. Ðang học lớp 7, nghe tin Nhà hát Tuồng Việt Nam tuyển diễn viên, Ðại Mý đăng ký dự tuyển luôn. Lúc đến dự thi, bị yêu cầu hát một bài tuồng, anh mới ngớ ra vì chưa biết tuồng là gì. Anh hát bản nhạc quen thuộc nghe từ đài: "Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa…", sau đó khi các thầy bảo anh hát theo vài điệu tuồng mẫu, Mý bắt chước hát theo và không ngờ… trúng tuyển.

Tốt nghiệp Trường trung cấp nghệ thuật Sân khấu và Ðiện ảnh (nay là Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội), Trần Ðại Mý được nhận vào biên chế Nhà hát Tuồng Việt Nam. Vai Cao Hoài Ðức trong vở Nữ tướng Ðào Tam Xuân đem lại cho anh cảm giác thật tuyệt vời khi lần đầu được lên sân khấu. Anh còn tham gia đóng các vai Khương Linh Tá, Ðổng Kim Lân… dưới sự hướng dẫn của các bậc thầy thời bấy giờ. Trong số các nhân vật đã nhập vai, anh thích tướng quân Avanu, một tướng tài của triều đình trong vở Huyền Trân công chúa (đạo diễn Doãn Hoàng Giang). Avanu biết cha mình giết vua, song vẫn chọn cách là một trung quân và bằng mọi giá cứu sống công chúa nước Việt khỏi bị thiêu sống. Vai diễn giúp Ðại Mý đoạt Huy chương vàng Hội diễn sân khấu Tuồng chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010. Nhưng vai thầy Nghêu trong vở diễn dân gian nổi tiếng Nghêu, Sò, Ốc, Hến mới chính là vai "tủ" của anh. Thường mọi người diễn vai mù thì đeo kính đen nhưng Ðại Mý không nghĩ thế, cho rằng đeo kính đen là diễn giả. Vì thế khi nhận vai này, anh không đeo kính mà vẫn mở mắt, chớp chớp nhưng người xem lại thấy đúng là người mù. Vai diễn này đã mang lại cho anh tấm Huy chương vàng đầy thuyết phục trong Liên hoan sân khấu hài toàn quốc năm 2011, do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Là người hay phá cách trong những vai diễn, NSƯT Trần Ðại Mý quan niệm, khi nhập vai phải có cái tôi riêng; nếu bắt chước một ai đó thì là thợ, chứ không phải nghệ sĩ. Anh rất biết ơn thầy Xuân Hiền đã cho mình đóng một vai trong vở thử nghiệm Ô-ten-lô để tham dự Liên hoan sân khấu quốc tế năm 2006.

Nhìn gương các nghệ sĩ đi trước, Ðại Mý thấy cuộc sống khá vất vả, chỉ riêng bộ trang phục và các đạo cụ thôi đã nặng đến hơn 10 kg, nếu không có sức khỏe thì không thể diễn được. Vì thế, trong đời thường anh rất năng động để cuộc sống được dư dả với các công việc tổ chức biểu diễn, chụp ảnh, quay phim, sản xuất đạo cụ. Ngoài ra, anh còn tham gia đóng phim truyền hình; khá đắt show diễn hài và tiểu phẩm vào các dịp lễ, Tết. Anh tâm sự, diễn tuồng rất vất vả, bởi diễn tuồng mà không có sức, biết võ, biết múa thì khó hay. Nhiều hôm phải đi diễn xa nhà, trời rét mướt, nhập vai xong thì mệt nhoài mà thù lao chẳng đáng bao nhiêu, song anh vẫn muốn diễn vì niềm đam mê được đứng trên sân khấu. Dù gian khó cỡ nào cũng cương quyết không bỏ tuồng, bởi mỗi khi nhập vai là ngọn lửa đam mê lại bùng cháy khiến anh có thể quên tất cả. Tuy đã ở tuổi gần 60, nhưng khi lên sàn diễn anh luôn nghĩ mình vẫn rất trẻ. Ngọn lửa nghề đã làm cho Trần Ðại Mý luôn hết mình với nhân vật, dù đó là vai dài hay ngắn. Anh xác định, vai ngắn nhưng hiểu được tính cách nhân vật, diễn hay và để lại ấn tượng còn hơn là vai dài không thành công. Vì thế, cho nên có vai chỉ xuất hiện trên sân khấu 8 phút, anh vẫn được huy chương.

Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ðại Mý luôn trăn trở với nghề và vai diễn của mình. Anh luôn tự nhủ, phải làm tất cả vì nghệ thuật truyền thống, nhất là bộ môn nghệ thuật tuồng kén khán giả. Anh tự hào với nghề độc đáo mà cha ông đã để lại, tuy khó song đã yêu rồi thì không bỏ được. Ðặc biệt thích các vai diễn cổ, anh cho rằng: "Mỗi khi múa đẹp, hát chuẩn là mình đang giữ gìn vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc".