Nhưng kỳ thực, những yếu tố tạo nên biểu tượng “Hà Nội của Phú Quang” không có gì to lớn, kỳ vĩ hay huyền bí. Chúng hoàn toàn là những cảnh sắc và hiện tượng tự nhiên ở Hà Nội: phố cũ, mái ngói xô nghiêng, hàng cây lá đổ, mùi hoa sữa, mặt hồ, sương giăng hay cơn gió mùa đông bắc. Qua sự chọn lọc và hội tụ những câu thơ hay ca từ, Phú Quang như người cầm cây đũa chỉ huy biến chúng thành những điều quý giá và gợi cảm bậc nhất, đặc biệt khi vang lên trong những giai điệu lãng đãng mà huê tình.
Cũng bởi chính lẽ đó mà vệt sáng tác về đề tài Hà Nội của Phú Quang mau chóng xác lập một vị thế kinh điển ở phương diện biểu tượng. Cho dù có hàng trăm nhạc sĩ khác cũng viết về Hà Nội, nhưng danh xưng nhạc sĩ Hà Nội vẫn xứng đáng với Phú Quang hơn cả, bởi lẽ sức làm việc bền bỉ và khả năng nuôi dưỡng một cảm hứng qua hàng thập niên để viết ra những bài hát trữ tình không lẫn với ai khác. Có lẽ thời khắc “âm quyển” của người Hà Nội gọi tên Phú Quang bắt đầu từ Em ơi Hà Nội phố, một đỉnh cao sáng tạo của Phú Quang, phổ từ một bài thơ dài hơn 400 câu của Phan Vũ, chọn lấy 21 câu thành một chỉnh thể mới, tái sinh trong hình thức một bài hát chinh phục người nghe suốt hơn ba mươi năm qua. Rồi từ lúc nào, một chương mới cho những bài ca Hà Nội ra đời, xôn xao giữa nhạc và thơ: Nỗi nhớ mùa đông (thơ Thảo Phương), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phạm Thị Ngọc Liên), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Mơ về nơi xa lắm (thơ Thái Thăng Long)... Thậm chí tưởng như thành một công thức, thơ về Hà Nội qua tay Phú Quang là sẽ có bài hát ghi dấu ấn, thậm chí ăn khách. Nhưng bài hát của Phú Quang đã hơn thế, khi ông tìm kiếm những câu thơ chứa đựng những trăn trở, băn khoăn, đôi khi là một tiếng thở dài về nỗi buồn hay sự mất mát, mà đến cả sự mất mát cũng đầy hình tượng, như khi ông hát lên câu thơ “biển của một thời đã mất”...
Với một người ở thế hệ con cháu, vào thời hai mươi, ba mươi tuổi, tôi vẫn nghe được nhạc Phú Quang. Điều ấy có thể giải thích bằng việc Phú Quang trẻ rất lâu. Từ lúc tôi nhìn thấy ông xuất hiện đầy lịch lãm trên những sân khấu hay các bài phỏng vấn trên báo đài những năm 1990 đến tận hai mươi năm sau, ông vẫn giữ nguyên dáng vẻ rất “thanh niên phố” cùng lối nói chuyện hóm hỉnh, hấp dẫn đặc trưng. Tình yêu lãng mạn đầy hoài niệm, khát vọng nắm bắt những vẻ đẹp mong manh của đời sống là những thứ phi thời gian. Khung cảnh Hà Nội trên thực tế đổi thay rất nhanh chóng, nhưng Phú Quang đã kịp làm một việc là đóng dấu xác nhận một Hà Nội trong cái nhìn của ông, bất chấp mọi biến thiên. Một cách tự nhiên, Phú Quang đã chỉ ra rằng, cái đẹp của ký ức có sức mạnh vô song khi từ những điều đã qua ấy bồi đắp những cảm xúc trữ tình khiến con người muốn sống tốt hơn, yêu kẻ khác hơn và cũng biết thương thân mình.
Sau này khi không còn trẻ, tôi ít nghe Phú Quang hơn trước, nhưng tôi lại nhận ra độ lắng ở những bài hát có xu hướng tìm kiếm suy tư về số phận, về nỗi cô đơn, về những điều ở một độ tuổi nhất định gợi nên trong bài hát của ông. Vẫn là những bài hát như những đoản văn ngắn trong một cuốn sách lớn, chúng mang những cái tên gợi tâm sự, như thể tác giả đang cố gắng giãi bày: Phía tối tâm hồn tôi (lời Phan Đan), Hà Nội và em khi thu chớm đông sang (thơ Chu Hoạch), Sinh nhật đen, Ngọn nến... Người nghe gặp một Phú Quang nhiều lần hình dung về sự ra đi của mình:
Thu rất thật thu là khi
chớm đông sang
Em rất thật em là lúc
em hoang mang lựa chọn
Anh rất thật anh là lúc
anh biết ra đi nhẹ gọn
Để bớt cho đời một chút
gió lao xao
Và tránh cho em bớt một
lời chào!
(Hà Nội và em khi thu chớm đông sang - thơ Chu Hoạch)
Nhiều lần Phú Quang nhắc đến sóng và gió như một ẩn dụ chính bản ngã xê dịch: Cơn gió lang thang về chốn quê nhà, Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng, Đôi khi ta thèm lang thang như gió... Cũng chính ông đã thêm câu “Gió mùa đông bắc se lòng” một cách đắt giá vào ca từ phổ bài thơ Nỗi nhớ mùa đông, tạo ra hồn vía của không gian lẫn cảm giác mà chẳng cần gọi tên vẫn nhận ra nơi chốn.
Phú Quang để lại một không gian Hà Nội, một “âm quyển” đặc trưng vắt từ ký ức gian khó của chiến tranh và những năm tháng trầm lắng của những phố nghèo hiu hắt sang thời mở cửa, mà vẫn ngự trị giữa thời thế kỷ mới. Tưởng như những thứ tân thời có tên toàn cầu hóa, công nghệ số, thực tại ảo... không cần “âm quyển” ấy, nhưng hóa ra âm nhạc Phú Quang vẫn như những phố xá mang hồn vía phiêu diêu, chỉ cần một làn gió lang thang, một bước chân trên vỉa hè, đủ sức tạo ra những cảm xúc ngân vang. Mái ngói xô nghiêng thuở nào có thể đã dần biến mất ở Hà Nội hiện thời, nhưng tình tự con người ở phố vẫn không thôi tìm kiếm khả năng cảm động “nao nao kỷ niệm” (ca từ Em ơi Hà Nội phố). Đấy là tình yêu, là nỗi nhớ thời thanh xuân, là phút mê đắm trong những con đường mùa đông, những sớm sương bay nào đó, mà cuối cùng Phú Quang đã chọn làm thời khắc ra đi.
Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Phú Quang, tang lễ sẽ được tổ chức từ 8 giờ đến 8 giờ 45 phút ngày 13/12 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu diễn ra cùng ngày; an táng tại Công viên tưởng niệm Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.