Vở Quan Âm Diệu Thiện được NSND Lê Hùng và NSƯT Hoài Thu đạo diễn dựa trên kịch bản của tác giả Lệ Dung và cố vấn về Phật học của Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Trưởng Ban Văn hóa T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Hương (Mỹ Ðức, Hà Nội). Vở diễn lấy cảm hứng từ huyền tích trong kho tàng văn hóa dân gian về Ðức Phật Hương Tích Quan Thế Âm Bồ Tát vốn là công chúa Ba, tức công chúa Diệu Thiện, con gái Vua Diệu Trang Vương. Chứng kiến những lỗi lầm của vua cha, thấu tỏ những đau khổ của muôn dân, công chúa Ba đau đớn tận tâm can. Bà quyết rũ bỏ vinh hoa phú quý, một lòng hướng Phật những mong cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh. Trên hành trình tu tập, bà đã phải trải qua bao trầm luân khổ ải, cám dỗ. Ấy là khi phải đối mặt với sự phản đối tàn bạo của vua cha, phải vượt qua những day dứt xé lòng khi chia tay mẹ, hay phải chịu khổ hình cùng gông cùm xiềng xích, thậm chí là cái chết... Song bà đã vượt qua vô vàn đại nạn một cách kỳ diệu để có thể quy y cửa Phật. Ngay cả thử thách của Ðức Phật Tổ Như Lai đặt ra cũng không làm bà suy chuyển ý chí. Sau cùng, bà hiến mắt và tay mình để làm thuốc cứu vua cha, cũng là để cứu độ chúng sinh. Thức tỉnh và cảm phục trước tấm lòng của con gái, nhà vua tìm đến động Hương Tích, nơi công chúa Ba tu hành và xin đi tu để chuộc lại lỗi lầm… Nhờ tu hành đắc đạo, công chúa Ba được nhập cõi Niết Bàn và được sắc phong là Quan Thế Âm Bồ Tát. Ðộng Hương Tích ở chùa Hương ngày nay tương truyền chính là đạo tràng của Quan Thế Âm Bồ Tát: "Rằng trong cõi nước Nam ta/ Chùa Hương có Ðức Phật Bà Quan Âm"... Qua đó, vở Quan Âm Diệu Thiện giúp lan tỏa thông điệp về lòng từ bi, khuyên con người sống hướng thiện, tu thân tích đức.
Theo dõi vở diễn, người xem đặc biệt ấn tượng với những lát cắt mang đậm màu sắc ước lệ được đạo diễn khéo léo lồng gắn nhằm tạo ấn tượng mạnh với người xem. Ðó là khi những chiếc mặt nạ trắng được sử dụng để khắc họa sâu những ám ảnh trong tâm trí nhà vua. Ðó là khi ba tầng không gian: cõi trần - cõi âm - cõi Niết Bàn được đặc tả trong thế đối lập giúp khán giả trải nghiệm và suy ngẫm. Cõi trần thị phi, bát nháo bao nhiêu thì cõi âm rùng rợn, bi thương bấy nhiêu, trái ngược hẳn với sự thanh tịnh, uy nghiêm cõi Niết Bàn. Từng tầng không gian tựa tấm gương để người xem tự soi chiếu và răn mình sống đẹp, tĩnh tâm hơn giữa đời thực…
Làm thế nào để mang đến sự gần gũi, chân thực cho một vở diễn khai thác huyền tích dân gian là điều không dễ thực hiện. Song ê-kíp sáng tạo đã khéo léo sử dụng lối dàn dựng thiên về kịch hình thể, đầu tư kỹ lưỡng cho phần hình ảnh, thiết kế sân khấu để mang đến hiệu ứng đẹp về phần nhìn và sự chân thực trong quá trình tiếp nhận. Bàn tay nhào nặn của đạo diễn cũng phô ra sự điêu luyện với nhiều chi tiết cần tới những yếu tố kỹ xảo như cảnh thần hổ xuất hiện, cảnh đốt chùa, hay cảnh công chúa Ba hóa Quan Âm...
NSND Lê Hùng cho biết ông đã bổ sung thêm một số chi tiết để mang đến những lý giải thấu đáo hơn về nguyên nhân công chúa Ba một lòng nhất tâm hướng Phật. Bên cạnh đó, vở diễn còn ghi điểm khi tạo được mạch tiếp nhận nhẹ nhàng cho người xem dù chuyển tải câu chuyện về tấm gương đạo đức. Ðó là nhờ sự xuất hiện của những chi tiết gây cười thú vị xoay quanh các nhân vật như: quan thái giám, quan ngự y hay thầy thuốc "dị nhân"... Cũng cần kể đến diễn xuất khá "ngọt" của các diễn viên, đặc biệt là phần hóa thân vào vai công chúa Ba của NSND Lệ Ngọc. Một lần nữa, NSND Lệ Ngọc đã khẳng định được thế mạnh diễn xuất đa dạng của mình khi thể hiện một vai diễn kém mình vài chục tuổi. Nữ nghệ sĩ cho biết, Quan Âm Diệu Thiện là vở diễn tiếp tục theo mạch đề tài về văn hóa dân gian mà sân khấu Lệ Ngọc theo đuổi với hàng loạt tác phẩm đã ra mắt trước đó như: Cây tre thần, Huyền thoại Gò Rồng Ấp, Tấm Cám... Ðây cũng sẽ là hướng đi được sân khấu Lệ Ngọc chú trọng thời gian tới nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam.