Ðình làng Bồng Lai có quy mô xây dựng lớn, gồm bốn tòa kết cấu theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ công. Ðình được xây dựng vào thời Hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn, nhưng trên bộ khung kiến trúc của đình còn lưu giữ nhiều mảng chạm gỗ mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Các mảng chạm này vừa có giá trị nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc, vừa cung cấp kiến thức về công tác tu bổ, bảo tồn di tích của các thế hệ tiền nhân. Ðình Bồng Lai là nơi thờ tướng Yết Kiêu, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, lần thứ ba của triều Trần, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Sau Cách mạng tháng 8-1945, nơi đây được chọn làm trụ sở Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời địa phương, là nơi sản xuất vũ khí, họp bàn và tổ chức các lớp bình dân học vụ xóa mù chữ cho nhân dân.
Ý nghĩa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đình Bồng Lai đã được khẳng định, nhưng có mặt tại đây vào những ngày cuối tháng 7, chúng tôi thấy toàn bộ khuôn viên di tích đã biến thành công trường với ngổn ngang các cột gỗ lim to, nhỏ; các xà ngang, xà dọc cũ, mới xếp đầy trước khoảng sân rộng. Toàn bộ ngôi đình gồm tòa Tiền tế, Trung tế, ống muống và Hậu cung với tường bao quanh được xây bằng gạch đã bị dỡ bỏ. Thay thế vào đó là một ngôi đình làm bằng gỗ lim, trong đó tòa Tiền tế có diện tích gần 90 m2 đã xây dựng xong với kiến trúc bên ngoài được làm mới hoàn toàn! Trước kia, trên đỉnh nóc mái đình, chính giữa đắp hình mặt nhật, kìm nóc đắp rồng ngậm đại bờ. Còn giờ, mái đình được đắp hai con rồng chầu mặt nguyệt với nanh vuốt tua tủa, kìm nóc xây vuông thành sắc cạnh, thô cứng. Theo quan sát, các hạng mục còn lại của ngôi đình này đang được dân làng gấp rút xây dựng và không thể biết được sau khi hoàn thành thì các mảng chạm khắc nghệ thuật cũng như phong cách kiến trúc độc đáo của di tích có còn được giữ gìn nguyên trạng?
Trao đổi ý kiến với phóng viên sáng 24-7, ông Trần Văn Ðồng, Trưởng ban khánh tiết đình làng Bồng Lai cho biết: Công trình cải tạo, nâng cấp di tích được khởi công ngày 1-4 vừa qua, dự kiến hoàn thành vào dịp cuối năm. Toàn bộ số tiền kiến thiết lại ngôi đình do nhân dân đóng góp và tự nguyện bỏ ngày công xây dựng. Ông Ðồng khẳng định, thiết kế kiến trúc ngôi đình mới này đã được cơ quan chức năng của tỉnh phê duyệt. Tiếp tục làm việc với ông Trần Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến, kiêm Trưởng ban di tích, sau một hồi đi tìm quyết định về việc thành lập Tổ tu sửa cấp thiết di tích đình Bồng Lai và điện thoại cho cán bộ phụ trách văn hóa xã, ông Hinh trả lời hiện nay Báo cáo tu sửa cấp thiết di tích đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) Thái Bình phê duyệt, tuy nhiên bận quá nên cán bộ phụ trách chưa lên tỉnh lấy được!
Trên thực tế, những thông tin lãnh đạo xã Vũ Tiến trả lời phóng viên là sai sự thật, bao biện cho những vi phạm trong thực hiện trình tự, thủ tục xin cấp phép cải tạo, nâng cấp đình làng Bồng Lai. Cụ thể, ngày 1-4, địa phương đã tự ý khởi công tu bổ di tích, trong khi đó, ngày 3-4, Giám đốc Sở VH-TT và DL Thái Bình mới ký quyết định về việc thành lập Tổ tu sửa cấp thiết di tích và giao cho ông Phó Chủ tịch xã làm tổ trưởng. Quyết định còn nói rõ: "Tổ tu sửa phải lập Báo cáo tu sửa cấp thiết di tích và thực hiện việc giám sát tu sửa sau khi Báo cáo đã được Giám đốc Sở VH-TT và DL phê duyệt". Tuy nhiên, UBND xã Vũ Tiến đã "làm ngơ" trước quyết định này và ngang nhiên phá dỡ toàn bộ ngôi đình cổ kính có hàng trăm năm tuổi đã được UBND tỉnh Thái Bình xếp hạng để xây mới theo một thiết kế chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ðến tháng 6 vừa qua, cán bộ phụ trách văn hóa xã Vũ Tiến mới lên trình Sở Báo cáo tu sửa cấp thiết di tích và kèm theo một loạt giấy mời về dự lễ khánh thành tòa Tiền tế!
Ðã hơn một tháng kể từ khi Sở VH-TT và DL tỉnh Thái Bình nắm bắt được sự việc nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, kịp thời xử lý những vi phạm trong trùng tu, tôn tạo đình Bồng Lai. Còn tại địa phương, việc phá dỡ và xây mới di tích chưa được cấp phép vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có chuyện gì. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng địa phương đã buông lỏng quản lý và tiếp tục bao che cho vi phạm? Các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa của tỉnh Thái Bình đã có biện pháp gì để xử lý những vi phạm nghiêm trọng này theo Luật Di sản.