Người dân An Giang chung tay làm du lịch trách nhiệm

|

NDO - NDĐT - Ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết để phát triển du lịch bền vững, có chất lượng, có chiều sâu. Do đó, tỉnh An Giang đã và đang rất tích cực vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, qua đó, xây dựng An Giang trở thành một điểm đến An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn – Đậm đà bản sắc văn hóa vùng sông nước Nam Bộ.

Du lịch An Giang đang ngày càng phát triển, hướng đến trở thành điểm đến du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long và là trung tâm du lịch tâm linh của cả nước. Tỉnh An Giang chủ trương xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống. Muốn đạt được những mục tiêu trên, ngành du lịch An Giang phải phát triển theo hướng bền vững. Ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, còn cần phải có sự ủng hộ của cộng đồng người dân bằng cách nâng cao nhận thức về du lịch của bản thân, nâng cao chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp cho du khách.

Nhận thấy việc nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân là một việc hết sức cần thiết, vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đã tổ chức các lớp tập huấn cho người dân làm du lịch tại các địa phương có khu du lịch trọng điểm như huyện Tịnh Biên và TP Châu Đốc. Lớp tập huấn nhận được sự tham gia nhiệt tình của gần 600 người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch tại địa phương, như: các cá nhân hành nghề xe ôm, mua bán đặc sản, hộ kinh doanh dịch vụ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phục vụ khách du lịch như nhà hàng, khách sạn… Các buổi học diễn ra hết sức sôi động, với kinh nghiệm thực tế của chính bản thân, các giảng viên đã hướng dẫn cho bà con những điều cần biết, cần lưu ý trong giao tiếp và phục vụ khách du lịch, giúp bà con ý thức được khách đi hay ở, có sử dụng dịch vụ của mình hay không phần lớn do thái độ đối xử của bà con với du khách.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, từ tháng 8 đến nay, Trung tâm đã phối hợp Trường cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn tổ chức được bốn lớp với hàng trăm học viên là các hộ trực tiếp kinh doanh, cung cấp dịch vụ ở hai điểm du lịch lớn của tỉnh là Khu du lịch Núi Cấm, huyện Tịnh Biên và Khu du lịch quốc gia Núi Sam, TP Châu Đốc.

Qua các buổi tập huấn, các học viên sẽ được các chuyên gia đến từ Trường cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến rộng rãi Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch, cho người dân và cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch.

“Ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết để phát triển du lịch bền vững, có chất lượng, có chiều sâu. Do đó, tỉnh An Giang đã và đang rất tích cực vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, qua đó xây dựng An Giang trở thành một điểm đến An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn – Đậm đà bản sắc văn hóa vùng sông nước Nam Bộ”, ông Lê Trung Hiếu nói.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Trung Trinh, giảng viên Khoa Lữ Hành, Trường cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn cho biết, muốn xây dựng cộng đồng cùng làm du lịch trước tiên phải có sự quan tâm của các ngành, các cấp từ T.Ư tới địa phương, phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và phải được hoàn thiện theo tình hình thực tế. Cần phải có các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, trong đó xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao.

Theo báo của của tỉnh An Giang, chín tháng đầu năm 2019, đã có hơn 9,5 triệu lượt khách du lịch đến An Giang, trong đó có 5,3 triệu lượt khách đến Châu Đốc, tuy nhiên, doanh thu từ du lịch của An Giang vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Bà Trinh cho rằng, khách du lịch đến An Giang và Châu Đốc nhiều nhưng chi tiêu ít có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là chúng ta thiếu các dịch vụ du lịch phụ trợ; cùng với đó, ý thức làm du lịch của một bộ phận người dân và các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch vẫn còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng “không có mợ, chợ vẫn đông”, không cần du khách nên phần nào tạo nên một hành ảnh không mấy thân thiện đối với du lịch An Giang.

“Để ngành du lịch An Giang phát triển bền vững và ngày càng có nhiều đóng góp hơn cho sự phát triển kinh tế của địa phương, cần hướng tới xây dựng loại hình du lịch có trách nhiệm; tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng để người dân thực sự được ưởng lợi từ sự phát triển du lịch. Trong đó, cộng đồng dân cư tại địa phương tham gia du lịch cộng đồng với tư cách vừa là nhà tổ chức, vừa là người hưởng thụ, lại vừa chủ động cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ, phương tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách… Cùng với du khách, người dân là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích hữu hình cũng như vô hình của hoạt động này”, bà Trinh đề xuất.

Ông Nguyễn Thanh Phương, một hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang cho rằng, các lớp tập huấn này vô cùng hữu ích đối với người dân. Bởi thực tế, đội ngũ lao động hầu như chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu là kinh doanh tự phát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, kiến thức trong nghề ít, ngại va chạm, chủ yếu là nhiệt tình và hiếu khách. Tuy nhiên, nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển du lịch cộng đồng là cần thiết nhưng chưa đủ, mà cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương với chức năng nhiệm vụ không ngừng nâng cao công tác quản lý hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhằm phối kết hợp khai thác tốt các điểm du lịch tại địa phương; giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc thu hút khách du lịch góp phần xây dựng kinh tế xã hội ở địa phương.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung. Không riêng ông Phương, hầu hết bà con tham gia các khóa tập huấn đều thể hiện tinh thần học tập nghiêm túc và mong muốn được đóng góp “trách nhiệm” vào phát triển du lịch của tỉnh nhà. “Hơn ai hết, mỗi người dân hoạt động kinh doanh du lịch ở bất cứ hình thức nào đều phải nâng cao ý thức trách nhiệm và không ngừng học tập, trau dồi kỹ năng chuyên môn để không bị “bỏ lại” phía sau”, nhiều người dân kinh doanh dịch vụ du lịch tại Núi Cấm cho biết.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành ở địa phương tập trung đầu tư hạ tầng cho bản du lịch, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho người dân nhưng phải bảo đảm các yếu tố giữ gìn cảnh quan môi trường, phong tục tập quán, truyền thống văn hoá, tránh sự lai căng, biến chất của những giá trị cốt lõi của không gian văn hóa và cộng đồng dân cư; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; đặc biệt cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu rộng rãi loại hình du lịch dựa vào cộng đồng đến du khách gần xa, đặc biệt là khách quốc tế trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách du lịch đến Châu Đốc, An Giang ngày càng đông hơn.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư tỉnh An Giang.

An Giang có rất nhiều loại hình du lịch hấp dẫn và độc đáo – Lễ hội đua bò Bảy Núi thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước tham quan.

Lễ hội đua bò Bảy Núi – thể hiện rõ trách nhiệm cộng đồng của người dân vào hoạt động du lịch ở An Giang.