Dư địa du lịch còn lớn
Hầu hết lãnh đạo và ngành du lịch các tỉnh miền trung đều có chung nhận định, dư địa du lịch đường Hồ Chí Minh còn lớn, việc khai thác mới chỉ là một phần nhỏ. Ngay tại Quảng Bình, địa phương được xem là khai thác tiềm năng du lịch đường Hồ Chí Minh khá hiệu quả. Phó Giám đốc Sở Du lịch Đặng Đông Hà nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là vị trí, điều kiện tiếp cận di tích khó khăn, thiếu dịch vụ bổ trợ, một số di tích lịch sử chưa được tôn tạo, phục dựng cẩn thận trong khi công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối giữa các công ty lữ hành chưa hiệu quả. Ông Hà cho biết cụ thể, Quảng Bình có 15 trong tổng số 37 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh, song mới chỉ tôn tạo, phát huy giá trị của một số ít di tích nổi tiếng như hang tám Thanh niên xung phong, phà Long Đại. Những di tích khác chỉ mới được dựng bia để ghi nhớ sự kiện, còn các hoạt động, trong đó có truyền thông, còn bỏ ngỏ.
Giám đốc Sở VHTT và DL tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Bình cho rằng, nút thắt trước tiên cần tháo gỡ để phát triển lên tầm cao hơn là vốn đầu tư, tư duy và cách ứng xử của con người với di tích, di sản. Hiện việc đầu tư, khai thác du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh chưa tương xứng với tiềm năng để mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Nguyên nhân, do chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính triển khai những dự án du lịch dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh làm điểm nhấn thu hút du khách. Hệ thống hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Khả năng giữ chân khách và cung cấp các dịch vụ, sản phẩm du lịch còn hạn chế.
Làm việc với lãnh đạo các địa phương và ngành du lịch tỉnh Quảng Nam, chúng tôi được biết, hiện chưa có quy hoạch phát triển du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh cho nên việc xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở VHTT và DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ, thời gian qua, tại Quảng Nam chưa có nhà đầu tư quy mô lớn để đầu tư phát triển các điểm du lịch dọc trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Tiềm năng phát triển du lịch ở miền núi Quảng Nam còn rất lớn, nhưng vì xa các trung tâm du lịch của tỉnh như Hội An, Mỹ Sơn và do hệ thống giao thông kết nối một số điểm du lịch chưa được đầu tư nâng cấp, vì thế chưa tạo ra sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và du khách. Mặt khác, quy mô, chất lượng và tính chuyên nghiệp của các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch ở các huyện miền núi hạn chế về số lượng và chất lượng, yếu về trình độ, tay nghề cho nên chưa đáp ứng được yêu cầu; bộ máy quản lý tại các điểm du lịch chưa bảo đảm chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng và phát triển điểm du lịch đạt chuẩn.
Từ cái nhìn của người trong cuộc, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) Lê Thị Thêm cho rằng, tiềm năng du lịch đường Hồ Chí Minh của địa phương khá lớn nhưng việc thu hút khách du lịch gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thiếu sản phẩm đặc sắc để thu hút khách, người làm du lịch còn thiếu kỹ năng, ngoại ngữ và cả phiên dịch tiếng địa phương. A Lưới có 10 điểm du lịch sinh thái thì hầu hết nằm ở các xã vùng biên giới, rất khó khăn cho du khách khi vào tham quan, trải nghiệm tại đây do phải làm các thủ tục vào, ra khu vực biên giới khá mất thời gian.
Lãnh đạo các địa phương cho biết, hiện chưa có quy hoạch phát triển du lịch tuyến đường Hồ Chí Minh trong cả nước để trên cơ sở đó các tỉnh có định hướng riêng cho mình. Mặt khác, đường Hồ Chí Minh đi xuyên qua vùng đồi núi của dãy Trường Sơn, trừ tuyến đường chính thì hầu hết các tuyến đường ngang đều chưa được đầu tư, vì thế đã ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển du lịch.
Liên kết phát triển
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng cho biết, trong chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020, các loại hình du lịch tâm linh, văn hóa - lịch sử được ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Bình liên kết với các địa phương trên tuyến đường để chia sẻ thông tin điểm đến, dịch vụ bổ trợ phục vụ du khách. Tỉnh đã rà soát và phân cấp quản lý các điểm du lịch văn hóa, tâm linh; huy động các nguồn lực xã hội để trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa tạo cơ sở phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, tìm hiểu văn hóa lịch sử. Hiện ở Quảng Bình, loại hình du lịch tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, thăm lại chiến trường xưa và du lịch tâm linh đang là sản phẩm du lịch thu hút nhiều du khách. Đền tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ hang tám Thanh niên xung phong tại km 16 đường 20 Quyết thắng là điểm dừng chân của hầu hết du khách khi đến tham quan, khám phá, trải nghiệm hệ thống hang động và du lịch sinh thái tại Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng Lê Thanh Lợi, để tạo thuận lợi cho du khách khi viếng thăm Đền, đơn vị bố trí một tổ hướng dẫn viên trực cả 24 giờ. Hiện, nhà đón tiếp cũng được xây dựng khang trang để đón khách đến trong các dịp lễ, Tết.
Khách du lịch thăm động Phong Nha (Quảng Bình).
Mới đây, tỉnh Quảng Bình cho phép các doanh nghiệp khai thác một số tua, tuyến du lịch gắn với đường Hồ Chí Minh, như: khám phá hang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trải nghiệm cuộc sống đồng bào Vân Kiều trên đường Trường Sơn; ngắm sông Son với “tọa độ lửa” phà Xuân Sơn và trải nghiệm đời sống người dân hai bên bờ sông; hoặc mở các khu du lịch sinh thái bên đường Hồ Chí Minh như Thác Mơ ở huyện Minh Hóa, Công viên Ozo ở huyện Bố Trạch. Ngoài ra, tại các xã ven đường Hồ Chí Minh trong vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, người dân mở dịch vụ du lịch cộng đồng bước đầu thu hút đông du khách.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính, muốn thu hút khách du lịch đến với đường Hồ Chí Minh, trước hết cần quy hoạch, tôn tạo các di tích, điểm đến thật sự hấp dẫn bằng việc tái hiện hình ảnh một cách chân thực, sinh động một thời đánh giặc giữ nước hào hùng của dân tộc ta. Trong các di tích, nên xác định cái nào cần bảo tồn nguyên vẹn, cái nào vừa bảo tồn vừa đưa vào khai thác, phát triển. Từng bước biến di tích và những tài nguyên du lịch thành những giá trị năng động để du lịch xứng đáng là nơi “hái ra tiền” của Quảng Trị. Thứ hai, là hợp tác, liên kết phát triển du lịch bền vững với các địa phương trong khu vực như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và trên hành lang kinh tế đông - tây từ Mi-an-ma, Thái-lan, Lào về Việt Nam. Cần xem liên kết phát triển du lịch là một trong những giải pháp then chốt nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, sức cạnh tranh của du lịch Quảng Trị cũng như của các tỉnh miền trung. Trong hành trình liên kết này, tỉnh Quảng Trị đã đưa nhiều sản phẩm du lịch sinh thái vào khai thác phục vụ du khách trong nước và nước ngoài.
Để thúc đẩy du lịch ở phía tây của tỉnh, Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, địa phương điều chỉnh quy hoạch du lịch tỉnh đến năm 2030, trong đó lồng ghép quy hoạch du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Tỉnh ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng du lịch, giao thông đến các điểm du lịch miền núi một cách đồng bộ và có trọng điểm, trong đó chú trọng các điểm du lịch đã có đông khách đến tham quan, như: làng dệt thổ cẩm Zara, thác Grăng, huyện Nam Giang; làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng, Dhờ Rôồng, huyện Đông Giang; làng truyền thống Cơ Tu và rừng cây pơ-mu, huyện Tây Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, liên kết vùng gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, miền trung - Tây Nguyên để phát triển du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh là định hướng được tỉnh chú trọng, gắn với thu hút các dự án lớn nhằm tạo động lực phát triển du lịch khu vực này.
Mới đây, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho các doanh nghiệp đầu tư ba dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch gắn với đường Hồ Chí Minh (gồm: Khu du lịch sinh thái cổng trời Đông Giang, Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng và Khu du lịch sinh thái nhà vườn kết hợp Trạm dừng chân FVG Đông Giang), có tổng nguồn vốn hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, dự án Khu du lịch sinh thái cổng trời Đông Giang với diện tích 120 ha tại xã Mà Cooih, huyện Đông Giang do Công ty cổ phần khu du lịch sinh thái Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) làm chủ đầu tư, số vốn hơn 400 tỷ đồng; sẽ khởi công xây dựng trong quý II-2019, khi hoàn thành có thể đón 100 nghìn lượt khách lưu trú/năm.
60 năm đã qua, giờ đây đi lại Trường Sơn giữa khung cảnh thanh bình và hùng vĩ của đại ngàn, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống mới của người dân dọc tuyến biên giới. Phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử trên tuyến đường huyền thoại gắn với khai thác tiềm năng to lớn mà thiên nhiên ban tặng nhằm phát triển du lịch đã và đang giúp các tỉnh miền trung vươn lên. Song để khai thác có hiệu quả hơn nữa các di tích lịch sử trên tuyến đường Hồ Chí Minh, các tỉnh cần tăng cường quy hoạch, tôn tạo di tích, thu thập tài liệu quý liên quan đường Hồ Chí Minh nhằm tái hiện chân thực, sinh động một thời đánh giặc giữ nước hào hùng của cha ông. Cùng với các tua du lịch kết nối các điểm di tích trên đường Hồ Chí Minh, các địa phương cần quan tâm lập bản đồ, sa bàn và các hoạt động phụ trợ khác giúp cho khách du lịch hình dung rõ hơn sự vĩ đại của tuyến đường. Điều này giúp nâng cao hiệu quả của du lịch đường Hồ Chí Minh, qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập để ổn định đời sống cho nhân dân bên dãy Trường Sơn.
* Bài 1: Tiềm năng lớn
---------------------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 21-5-2019.
Ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2383/QÐ-TTg quyết định xếp hạng di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Đác Nông, Bình Phước) là Di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Quảng Bình có 15 di tích. Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1820/QĐ- TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Phước). Theo đó, bổ sung chín điểm di tích vào Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. |