Nhớ về một thời hào hùng
Mỗi lần có dịp về huyện Bắc Sơn, chúng tôi lại bồi hồi nhớ tới ca khúc "Bắc Sơn", bản hùng ca bi tráng của cố nhạc sĩ Văn Cao:
Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió
Ðau lòng bao năm sống lầm than đây đó
Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng
Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng
Ngày nay, đến với các vùng quê ở Bắc Sơn, ở đâu cũng thấy những con đường làng, liên thôn, liên xã được bê-tông hóa, lưới điện quốc gia tỏa đến từng thôn bản; những ngôi nhà sàn thấp thoáng ven sườn núi đá vôi kỳ vĩ... Ðể rồi đến với những địa danh gắn liền với cuộc khởi nghĩa như: Vũ Lăng, đình Nông Lục, đồn Mỏ Nhài, Mỏ Tát… cách đây 80 năm về trước đã từng in dấu chân các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng như: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Trần Ðăng Ninh, Hoàng Quốc Việt… đã từng sống cùng với bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao… nhóm lên ngọn lửa cách mạng, làm nên cuộc khởi nghĩa ngày 27-9-1940, mở ra trang sử mới cho Cách mạng Tháng Tám mùa thu 1945.
Tuy dấu tích xưa của một thời khói lửa không còn, nhưng tên làng, tên núi nơi đây vẫn khắc sâu trong tâm khảm của người dân Bắc Sơn. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn ghi lại: Ngày 22-9-1940, Nhật đánh vào Lạng Sơn, Pháp thua chạy qua Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Vốn căm thù trước những hành động cướp bóc, gây nên cuộc sống lầm than và sẵn có truyền thống đấu tranh, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn được Ðảng lãnh đạo đã vùng lên đấu tranh vũ trang, dưới ánh sáng của Nghị quyết hội nghị Trung ương tháng 11-1939. Sau khi triệu tập các tổ đảng Bắc Sơn, các chiến sĩ cộng sản vừa thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn về đã họp bàn thống nhất, thông qua chủ trương khởi nghĩa. Vào 7 giờ đến 8 giờ tối 27-9-1940, khoảng 600 đồng bào Tày, Nùng, Dao, Kinh… theo các chiến sĩ cách mạng, tiến đánh đồn Mỏ Nhài. Sau một thời gian tiến quân chớp nhoáng, cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Nhân dân tin tưởng, phấn khởi reo hò vang dậy, tổ chức mít-tinh. Quân khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, đốt hết sổ sách… Nhưng khi Nhật đầu hàng đồng minh, do lực lượng còn mỏng, thực dân Pháp đã quay lại đàn áp quân khởi nghĩa, mở chiến dịch khủng bố lan tràn khắp nơi, đốt phá làng bản, giết hại dân thường ở: Nà Gieo, Bản Xe, Bò Tát… Các chiến sĩ du kích phải tạm lánh lên rừng chờ lệnh mới.
Ðến ngày 13-10-1940, tại Sa Khao (huyện Vũ Lăng), đồng chí Trần Ðăng Ninh, Xứ ủy viên Bắc Kỳ, được tăng cường lên Bắc Sơn củng cố lại phong trào, tuyên bố quyết định thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn. Ngay khi mới ra đời, Ðội du kích bị Pháp khủng bố gắt gao, nhiều làng bản bị đốt phá, nhiều quần chúng nhân dân bị bắn giết. Ðội du kích phải lánh lên rừng, sống trong cảnh màn trời, chiếu rách, ăn đói, nhịn khát trong mấy tháng liền. Nhưng các chiến sĩ Bắc Sơn vẫn một lòng tin tưởng vào cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng và quyết sống chết với quân thù.
Vào tháng 2-1941, đoàn đại biểu gồm các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Ðăng Ninh, đi dự hội nghị lần thứ tám của Trung ương Ðảng họp tại Pác Bó (Cao Bằng), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập, khi trở về đã dừng chân tại Bắc Sơn. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Ðội du kích Bắc Sơn được quyết định đổi thành Trung đội cứu quốc quân I, tại khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ nơi khai sinh ra đơn vị vũ trang đầu tiên của Ðảng, gồm 32 người. Ðây là đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam…
Ghi nhận những mốc son lịch sử đó, đến nay, huyện Bắc Sơn có 12 xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã an toàn khu (ATK) thời kỳ kháng chiến chống Pháp (tám xã công nhận năm 2013 và bốn xã công nhận năm 2016). Di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gồm 12 điểm như: đồn Mỏ Nhài, đình Nông Lục, trường Vũ Lăng... Hằng năm, tại các điểm di tích này đón nhận hàng chục nghìn lượt người trong nước và ngoài nước đến tham quan...
Ông Hoàng Ðình Khoai (70 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hưng Vũ, từng được bố là ông Hoàng Ðình Chuyên (đội viên đội du kích Bắc Sơn) kể lại: Dưới thời Pháp thuộc, đời sống cực khổ trăm bề, nhưng bà con vẫn chắt chiu từng hạt muối, hạt gạo nuôi giấu cán bộ… ông Hoàng Ðình Chuyên (khi ấy 28 tuổi), được các đồng chí đảng viên: Dương Nam Tiến, Hoàng Thái Long, Hoàng Thái Nam… cho tham gia đội du kích, quyết sống chết với quân thù, góp sức nhỏ làm nên cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn.
Anh Hoàng Xuân Thanh, là cháu của ông Hoàng Ðình Ruệ (thành viên của Ban Chỉ huy khởi nghĩa Bắc Sơn). Sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn thắng lợi, thực dân Pháp quay trở lại đàn áp. Ông Hoàng Ðình Ruệ cùng với bảy thành viên của Ban chỉ huy của cuộc khởi nghĩa bị địch bắt, sát hại dã man. Cách mạng Tháng Tám thành công, hòa bình lập lại, những thế hệ con cháu Bắc Sơn luôn nghe theo lời của Ðảng đem công sức cùng với đồng bào cả nước xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp. Anh Hoàng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch HÐND xã Hưng Vũ, tự hào nói: Năm nào cũng vậy, ngày 27-9, gia đình và dòng họ lại làm mâm cơm tưởng nhớ đến những người đã anh dũng hy sinh vì quê hương, đất nước.
Ngày mới trên vùng An toàn khu
Ðến với các xã trong huyện Bắc Sơn, ở đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió thu, được treo trang trọng trên mỗi nóc nhà sàn, mỗi đường quê, khu phố. Các tuyến đường huyện lộ 241, 243... đến với các xã vùng cao như Trấn Yên, Nhất Hòa, Nhất Tiến... đã được bê-tông hóa đến tận ngõ xóm. Giữa vùng quê thanh bình, xuất hiện nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên bên những cánh đồng lúa chín vàng. Phiên chợ vùng cao nhộn nhịp người mua bán, với nhiều loại nông sản phẩm, như: nếp cái hoa vàng, quýt vàng, măng tre...
Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng Dương Công Vượng vui vẻ cho biết: là xã thuần nông, bà con ở đây chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, cây ăn quả như quýt, lê... Những năm trước dây, do giao thông đi lại khó khăn, hàng hóa sản xuất ra rất khó vận chuyển, tiêu thụ. Từ năm 2016, xã được công nhận là xã An toàn khu, được Nhà nước hỗ trợ xi-măng, vật liệu, người dân bỏ công sức, hiến hàng nghìn mét đất làm đường. Ðến nay, ba tuyến trục xã dài 18 km đã được bê-tông hóa; 10 tuyến trục thôn dài gần 7 km cơ bản được bê-tông hóa. Xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019 và đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...
Anh Hoàng Ðình Thép, Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Minh Ðán, xã Hưng Vũ phấn khởi cho hay: Thôn có 135 hộ, trước đây đường vào thôn dài hơn 1 km, đường đi lại rất khó khăn. Anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã vận động bà con hiến đất làm đường, xây dựng trường học. Sau ba năm triển khai, con đường vào thôn rộng hơn 3 mét, được bê-tông hóa, trường mầm non được xây dựng khang trang ngay đầu thôn rất tiện cho bà con đưa đón các cháu... Bản thân gia đình anh đã hiến hơn 300 m2 đất để làm đường vào thôn. Từ một thôn vào năm 1940 sau cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp quay trở lại đàn áp đốt sạch 14 ngôi nhà trong thôn Minh Ðán...; đến nay thay vào đó là những ngôi nhà sàn rộng rãi. Toàn bộ các hộ trong thôn đều có điện, phương tiện nghe nhìn...
Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn Nguyễn Ngọc Thiều cho biết: Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 8 - 9%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2015. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa được nhân dân thực hiện khá tốt. Sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể; sản phẩm nếp cái hoa vàng được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay người dân góp được hơn 225 nghìn ngày công lao động, vận động nhân dân tình nguyện hiến hơn 108.000 m2 đất để xây dựng trường học, nhà văn hóa và làm đường giao thông nông thôn. Có 24 hộ gia đình tình nguyện hiến 19.800 m2 đất; các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ hơn ba tỷ đồng, chung tay xây dựng nông thôn mới. Kết quả, tính đến tháng 1-2020 đã có 7 trong số 18 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2015 đến nay, 12 xã ATK, vùng ATK Bắc Sơn đã được huyện quan tâm bằng các nguồn lực lồng ghép, đã có 137 dự án được đầu tư xây dựng bao gồm: các công trình trường học, nhà văn hóa, nước sinh hoạt... với tổng vốn đầu tư hơn 204 tỷ đồng. Từ khi di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, huyện Bắc Sơn đã lập hai đề án phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn, tôn tạo các xã ATK, vùng ATK trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng... Nhờ huy động các nguồn vốn đầu tư, nông thôn ở các xã ATK đã có nhiều đổi thay, đời sống của bà con nơi đây càng thêm khởi sắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên khẳng định: Những năm qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội đối với huyện Bắc Sơn. Nhờ đó nhiều hạng mục công trình hạ tầng cơ sở đã và đang được đầu tư như: đường giao thông, công trình thủy lợi... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của bà con các dân tộc. Tiềm năng, thế mạnh của địa phương từng bước được khai thác. So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Bắc Sơn phát triển tương đối toàn diện và bền vững.
Trên bước đường đi lên, Bắc Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào cả nước, về mảnh đất "Châu xưa" anh hùng.