Bắc Kạn thiếu kinh phí khắc phục hậu quả mưa bão

|

NDO - Từ năm 2020 đến 2021, Bắc Kạn đã chi hơn 207 tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả mưa bão. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh tiếp tục đã chi hơn 3 tỷ đồng cho công tác. Tuy nhiên, những con số này không thấm vào đâu so thiệt hại mà thiên tai gây ra, cho nên hầu hết các hư hỏng mới chỉ được xử lý tạm thời.

Giao thông là lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại nhất do những đợt mưa lũ từ đầu năm 2022 gây ra tại Bắc Kạn. Nhiều đợt mưa rất to kèm theo dông lốc, gió giật mạnh gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, như: sạt lở ta-luy âm, ta-luy dương, xói lở hạ lưu cống, lún nứt lề đường, mặt đường, làm hỏng hệ thống an toàn giao thông.

Thiệt hại do mưa, bão gây ra còn làm cho giao thông liên kết giữa các địa phương bị ách tắc, chia cắt. Nhiều tuyến đường bị nước dâng ngập tràn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Theo báo cáo của Ban Quản lý bảo trì công trình đường bộ Bắc Kạn, từ đầu năm 2022 tới nay, thiệt hại do mưa lũ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh ước khoảng 45 tỷ đồng, nhưng chưa có kinh phí để khắc phục. Trong đó, tuyến ĐT 252B thiệt hại đến hơn 800 triệu đồng, tuyến ĐT 254 là hơn 664 triệu đồng, tuyến ĐT 258 là hơn 300 triệu đồng... Bắc Kạn đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với các hệ thống đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh và lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước một trên 14 tuyến đường tỉnh.

Giám đốc Ban Quản lý bảo trì công trình đường bộ tỉnh Bắc Kạn Nghiêm Văn Thép cho biết, thiếu kinh phí khắc phục thiệt hại giao thông là tình trạng thường xuyên ở Bắc Kạn. Để bảo đảm giao thông, đơn vị thực hiện theo cách triển khai xử lý ngay, nguồn kinh phí do các doanh nghiệp thi công vay vốn ngân hàng làm trước. Khi nào có nguồn thì thanh quyết toán cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới rủi ro cho doanh nghiệp vì tình trạng trượt giá dễ xảy ra và nợ của Nhà nước. Hiện tại, riêng công tác xử lý thiệt hại năm 2021, Ban vẫn còn nợ quyết toán của các doanh nghiệp khoảng 14 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có kinh phí trả.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, trong 6 tháng đầu năm nay, thiên tai đã làm 361 nhà bị hư hỏng, tốc mái, ngập nước, sạt lở; 2.102 con vật nuôi bị chết, trôi; hơn 1.633ha cây trồng bị hư hỏng, ảnh hưởng; 18 công trình thủy lợi bị hư hỏng, 5.980m đường ống nước sạch bị cuốn trôi; hơn 252.560m3 đất, đá sạt lở trên các tuyến giao thông; 10 cột điện bị gẫy đổ, nghiêng. Ước thiệt hại về tài sản, hoa màu do thiên tai gây ra hơn 63 tỷ đồng. Các địa phương đã dùng nguồn của huyện, xã hỗ trợ sản xuất, gia đình có người bị chết, khắc phục công trình hạ tầng gần 2,7 tỷ đồng.

Thiệt hại lớn nhưng vì thiếu kinh phí nên hầu hết công tác khắc phục chỉ mang tính tại chỗ, tạm thời. Công tác di dân vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét mới chỉ thực hiện khu vực có nguy cơ cao hoặc khi đã xảy ra hiện tượng sạt lở; mức hỗ trợ di dân theo hình thức xen ghép vùng đặc biệt khó khăn, miền núi từ nguồn Trung ương còn thấp, chưa bảo đảm hỗ trợ người dân ổn định sau khi di dời đến nơi ở mới.

Thiếu kinh phí nên tỉnh Bắc Kạn buộc phải “liệu cơm, gắp mắm”, lựa chọn đầu tư những công trình cấp bách trước. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã sử dụng khoảng 119 tỷ xây dựng gần 5.400m kè bảo vệ bờ sông, khu dân cư, công trình hạ tầng trên hệ thống sông Cầu, sông Bắc Giang; sắp xếp, ổn định dân cư cho 32 hộ dân, với tổng kinh phí 640 triệu đồng; bố trí dân cư tập trung cho 20 hộ dân thuộc xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm với kinh phí 20 tỷ đồng. Hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho khoảng 1.800 hộ dân với kinh phí hơn 14 tỷ đồng...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, nguồn kinh phí của tỉnh dành cho công tác phòng, chống thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, đặc biệt là công tác khắc phục hậu quả. Hiện tại, tỉnh chưa có nguồn kinh phí để khắc phục triệt để một số vị trí đã sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở cao và vị trí vượt dòng qua sông, suối có nguy cơ chia cắt, cô lập khi có lũ... Đây là khó khăn rất lớn với tỉnh.

Bắc Kạn kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ di dân theo hình thức xen ghép vùng đặc biệt khó khăn, miền núi hiện ở mức 20 triệu đồng/hộ lên khoảng từ 100 đến 150 triệu đồng/hộ. Giúp đỡ và hỗ trợ kinh phí cho địa phương để bố trí xây dựng các công trình vượt dòng thay thế cầu tạm, đường tràn thường xuyên bị ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ. Hỗ trợ tỉnh thực hiện các hoạt động điểm nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng theo Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”.