Tận dụng tối đa lợi thế từ các tuyến đường bộ cao tốc

|

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về rà soát việc kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương.

Đến nay, cả nước đã có 1.729km đường bộ cao tốc và đang tích cực triển khai xây dựng các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các đường vành đai Vùng thủ đô Hà Nội, TPHCM và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ để đến cuối năm 2025 phấn đấu có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, còn một số trường hợp việc kết nối giữa tuyến đường bộ cao tốc và hệ thống đường bộ trên địa bàn các địa phương còn hạn chế.

Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương rà soát, hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát việc bố trí các nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương, khu vực; bảo đảm khoảng cách hợp lý, phù hợp quy định của tiêu chuẩn thiết kế, khai thác an toàn, hiệu quả nhằm gắn kết các khu vực đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế… hoàn thành trong quý 4-2023.

Bộ GTVT khẩn trương báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc phối hợp với các địa phương xem xét ưu tiên bố trí vốn và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư bổ sung các nút giao cần thiết nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường bộ cao tốc, tạo ra các không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.

Thủ tướng cũng giao Bộ KH-ĐT hoàn thiện các quy hoạch vùng, trong đó các dự án quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch… phải gắn kết đồng bộ với việc phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc. Bộ Xây dựng rà soát, cập nhật, hoàn thiện quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn gắn kết đồng bộ với việc phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 4. UBND các tỉnh thành lưu ý khi quy hoạch xây dựng đầu tư các tuyến đường của địa phương kết nối với các tuyến đường cao tốc đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả cao nhất có thể; tận dụng tối đa lợi thế do các tuyến đường bộ cao tốc mang lại…

* Bộ GTVT vừa có Tờ trình số 9325/TTr-CP gửi Chính phủ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thu phí sử dụng đường bộ đối với toàn bộ các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí, bổ sung danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí một khoản phí mới là phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Về mức thu phí, Bộ GTVT kiến nghị xác định trên 3 nguyên tắc cơ bản: phù hợp với lợi ích của người sử dụng đường cao tốc; trên cơ sở tổng số phí thu được, sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước bố trí kinh phí bảo trì dự án và hoàn vốn đầu tư; được tính toán cụ thể đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội từng khu vực.

Bộ GTVT cũng đề nghị, số tiền phí thu được nộp ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hỗ trợ các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác. Việc phân chia nguồn thu phí giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tính theo tỷ lệ nguồn vốn tham gia đầu tư tuyến cao tốc đó.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, việc thu phí sẽ thí điểm trên các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025; thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn, tuyến đường bộ được triển khai thu phí. Sau thời gian thí điểm, Bộ GTVT sẽ có đánh giá, tổng kết và đề xuất cơ chế phù hợp.