Trả lời phóng viên Nhân Dân điện tử, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho biết, chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng theo Quyết định số 62/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành đến nay không còn phù hợp, do quy định của T.Ư thay đổi.
Cụ thể, tại Thông tư số 113/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ không còn phù hợp quy định pháp luật hiện hành.
Đối với chính sách giảm tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất quy định tại Quyết định số 62 được ban hành trên cơ sở Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ.
Đến ngày 17-4-2018, Nghị định này đã được Chính phủ thay thế bằng Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo điều khoản chuyển tiếp, doanh nghiệp có dự án đang thực hiện và đáp ứng quy định ưu đãi, hỗ trợ tại Nghị định 210 thì tiếp tục được ưu đãi hỗ trợ hoặc theo quy định tại Nghị định 58.
Tuy nhiên, sau khi xã Tân Hạnh được nâng cấp thành phường Tân Hạnh từ ngày 1-7-2019 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối chiếu Nghị định số 210 và 57, thì các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm thuộc diện di dời vào hoạt động trong CCN gốm sứ Tân Hạnh đều nằm trên địa bàn phường Tân Hạnh, không được hưởng chính sách ưu đãi giảm tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê theo quy định do xã Tân Hạnh lên phường, không thuộc vùng nông thôn.
Về xử lý kiến nghị của hàng chục doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, ngày 14-10, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản giao UBND TP Biên Hòa chủ trì, thu hồi khoản kinh phí đã đầu tư xây dựng hạ tầng CCN gốm sứ Tân Hạnh theo lộ trình, hoàn trả ngân sách. Đối với doanh nghiệp đã được Cục Thuế Đồng Nai ban hành quyết định miễn, giảm tiền thuê đất thì tiếp tục được hưởng chính sách này cho đến khi hết thời hạn được miễn, giảm.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao Cục Thuế Đồng Nai chủ trì, đề xuất tham mưu xử lý các trường hợp doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất trước thời điểm ngày 1-7-2019, nhưng chậm làm thủ tục, nộp hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất. Qua rà soát, đã có 18 doanh nghiệp được miễn giảm tiền thuê đất tại CNN gốm sứ Tân Hạnh.
Sở Công thương Đồng Nai cho rằng, theo quyết định số 21/2012/QĐ-UBND ngày 19-3-2012 của UBND tỉnh Đồng Nai, quy định chính sách hỗ trợ di dời, bảo tồn và phát triển các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn TP Biên Hòa, đến ngày 1-1-2016, các cơ sở sản xuất gốm phải hoàn thành di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh và chấm dứt hoạt động sản xuất tại mặt bằng cũ.
Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở gốm không chấp hành tốt về tiến độ thực hiện di dời và CNN gốm sứ Tân Hạnh theo quy định: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh xem xét gia hạn, tạo điều kiện cho các cơ sở gốm có thời gian chuẩn bị và thực hiện di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh. Thế nhưng, đến thời điểm này, vẫn còn một số cơ sở gốm chưa bảo đảm tiến độ di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh. Cụ thể, có 23 cơ sở vào xây dựng nhà xưởng hoạt động, sáu cơ sở mới xây tường rào. Riêng đối với bảy cơ sở hoạt động không đúng mục tiêu đầu tư, chuyển nhượng dự án, chậm triển khai đầu tư xây dựng, TP Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định cho thuê đất”, ông Nguyễn Trí Phương cho biết.
Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật CCN gốm sứ Tân Hạnh cơ bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác, với diện tích 54,83 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp dùng cho thuê là 32,654 ha. Quỹ đất này ưu tiên bố trí cho 31 dự án gốm phải thực hiện di dời theo chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai. Đây là CCN có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, với tổng mức đầu tư khoảng 225 tỷ đồng.
Sau khi Nhân Dân điện tử đăng bài “Hàng chục doanh nghiệp gốm sứ ở Đồng Nai “cầu cứu” vì bị bãi bỏ ưu đãi”, UBND TP Biên Hòa đã tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP Biên Hòa, đại diện Sở Công thương với các doanh nghiệp đang hoạt động tại CCN gốm sứ Tân Hạnh, tìm hướng giải quyết thấu tình, đạt lý.
- Hàng chục doanh nghiệp gốm sứ ở Đồng Nai “cầu cứu” vì bị bãi bỏ ưu đãi