Gian nan tuyển quân, tìm tài năng trẻ thể thao

|

Hằng năm, cứ vào dịp này, từ tháng 1 đến tháng 5, là thời điểm tuyển quân, tìm kiếm các vận động viên (VÐV) trẻ có tố chất của các trung tâm thể thao, câu lạc bộ ở các bộ môn. Có tìm hiểu mới thấu hiểu sự vất vả, khó khăn của các huấn luyện viên trong công việc này.

Bóng đá có lợi thế là môn được nhiều người quan tâm, cho nên việc tuyển chọn cầu thủ năng khiếu của các câu lạc bộ bây giờ ít gặp khó khăn như trước. Nhiều trung tâm bóng đá cộng đồng tại thành phố lớn ra đời, hệ thống đào tạo chuyên nghiệp về cầu thủ trẻ của các câu lạc bộ được hình thành và có cầu thủ thi đấu thành công. Vì vậy, bóng đá đang có sức hút khiến hàng nghìn em nhỏ tham gia tập luyện, đeo đuổi đam mê với trái bóng. Nhiều môn thể thao khác nhìn đào tạo trẻ của bóng đá mà thấy buồn. Chính vì vậy, việc có được hạt nhân cho bóng bàn, bóng chuyền hay điền kinh..., các huấn luyện viên (HLV) phải tốn công sức và thời gian cả năm tìm kiếm, tuyển chọn các tài năng trẻ, có khi chỉ được vài người có tố chất.

HLV Phạm Ðình Khỏe thuộc Ðoàn thể thao Bộ Tư lệnh Biên phòng đã có những chia sẻ khi trò chuyện về công tác tuyển cầu thủ năng khiếu cho môn bóng chuyền của đơn vị: “Tuần tới, tôi lại lên đường đi Hưng Yên tuyển VÐV  năng khiếu. Từ đầu năm đến giờ, tôi đi không dưới 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng chưa tuyển đủ chỉ tiêu 12 VÐV như yêu cầu”. Từ nay cho đến tháng 5 là cao điểm tuyển quân của các đội bóng chuyền nên mọi người dễ đọc được thông báo tuyển VÐV được dán tại cửa nhà thi đấu hoặc thông tin đăng tải trên mạng xã hội của từng đơn vị. Mỗi trung tâm, câu lạc bộ hay đội bóng thực hiện cách tuyển quân khác nhau nhưng về cơ bản, HLV phải đi thực tế địa phương mới có cơ hội tìm được cầu thủ có tố chất thích hợp. HLV Phạm Ðình Khỏe cho hay: Mùa tuyển quân năm nay, một mình ông di chuyển đến nhiều địa phương bằng xe máy và chủ động tìm đến từng điểm trường THPT của địa phương mình dừng chân rồi làm việc với cán bộ thể dục, giáo viên thể chất để tuyển chọn các “hạt giống”. “Có tuần, tôi đi Tuyên Quang, vào trong vùng sâu, xe đi đường núi mình còn phải phòng bị sẵn thêm một bình xăng nhỏ dự phòng chứ không giữa đường hết xăng thì đành dắt bộ. Ðường đi mệt nhưng lúc tuyển được một cháu năng khiếu lớp tám đã cao 1,9 m thì mình lại giải tỏa được mệt mỏi ấy”, vị HLV bóng chuyền cho biết. 

Tương tự như bóng chuyền, bóng bàn là môn thực hiện việc tuyển VÐV năng khiếu rất rộng rãi trong mùa hè. Hằng năm, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao Vĩnh Long Nguyễn Minh Hiền từng là VÐV rồi HLV môn bóng bàn lại lên kế hoạch rất cụ thể để tuyển năng khiếu bóng bàn cho đơn vị mình. Tuy nhiên, HLV Minh Hiền cho biết, thực tế là nhiều năm gần đây, việc tuyển quân tại địa phương gặp khó do ít tay vợt năng khiếu lộ diện. Theo chia sẻ của ông Hiền, có giai đoạn, các HLV bóng bàn Vĩnh Long đi khảo sát ở địa phương theo dõi giải thi đấu ở trường học, nhưng không chọn được VÐV. Vì thế, việc trung tâm tuyển được 10 em năng khiếu trong một mùa giải đã là thành công. Có tiềm lực kinh tế và HLV giỏi, nhưng ngay cả bóng bàn Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn. HLV Lê Huy của Câu lạc bộ bóng bàn Hà Nội cho biết,  mọi năm, câu lạc bộ đều mở lớp tuyển năng khiếu. Tuy nhiên,  điều khó nhất là làm thế nào thuyết phục được gia đình cho con em mình đi theo thể thao chuyên nghiệp. Bóng bàn là môn dễ bắt nhịp nhưng nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn con mình tập để khỏe thể chất và đến một giai đoạn, nhiều cháu chia tay để tập trung vào việc học văn hóa.

Chúng tôi từng trực tiếp đi cùng ban huấn luyện đội pen-cát xi-lát Hà Nội đến một số trường học tại địa bàn Phúc Thọ (Hà Nội) để tuyển quân. Trước hàng trăm em học sinh, ban huấn luyện chỉ tuyển chọn hơn 10 người qua những đánh giá sơ bộ về thể lực, y sinh học về sự phát triển xương cũng như sở thích của học sinh đó. Theo HLV Thu Hương của pen-cát xi-lát Hà Nội, sau quá trình tuyển chọn, các HLV còn phải làm việc với gia đình để có sự cam kết cụ thể. Khi các cháu được đến Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội, bộ phận y tế sẽ kiểm tra các chỉ số tiêu chuẩn đối với VÐV năng khiếu và nếu phù hợp, các cháu sẽ vào tập luyện võ pen-cát xi-lát. “Môn võ có đặc thù riêng, chúng tôi tuyển các cháu năng khiếu đều rất cẩn trọng. Biết rằng việc tìm người đã khó nhưng nếu mình làm không kỹ từ khâu đầu vào, có thể chúng tôi sẽ đào tạo không thành. Ðiều ấy còn phí công sức cũng như sự đầu tư của Nhà nước hơn rất nhiều”, HLV Thu Hương cho biết.