Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

|

Để đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NĐ-CP ban hành ngày 12/5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Đây là chương trình cải cách sâu rộng nhất từ trước đến nay và được coi là “làn sóng” cải cách thứ ba của Việt Nam, với mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các quy định ít nhất 20% và cắt giảm chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh ít nhất 20%.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc đăng ký doanh nghiệp đang được đánh giá là một trong những thủ tục được cải cách và mang tính đột phá nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường.

Đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục đưa ra các chính sách nhằm giảm chi phí, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Cũng theo VCCI, riêng trong năm 2021, có 1.101 trong số 6.460 thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Hiện có bảy bộ, ngành đã trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định kinh doanh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với cải cách hành chính, lệ phí đăng ký doanh nghiệp từ năm 2017 cũng đã giảm 75% so năm 2016, từ mức 200 nghìn đồng/lần xuống 50 nghìn đồng/lần.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Đáng chú ý, việc đăng ký kinh doanh trực tuyến cũng được miễn phí, giúp giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiệm vụ giảm chi phí từ thiết lập, cải tiến hệ thống đến tổ chức thực thi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, ứng dụng công nghệ thông tin ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn tương đối phân tán, thiếu đồng bộ, thiếu sự chia sẻ, liên thông. Một số dịch vụ công trực tuyến chưa được triển khai thường xuyên và hiệu quả.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa chủ động phản ánh những vướng mắc trong thực tiễn và thực thi pháp luật do công tác giám sát, thực thi với chính quyền chưa tốt,...

Chính vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định thu phí trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý, kịp thời phát hiện những quy định chưa phù hợp, tránh tạo gánh nặng, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ bưu chính trong tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Đồng thời, các cơ quan quản lý, chính quyền cần tăng cường hướng dẫn, vận hành, kiểm tra, rà soát trách nhiệm về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và các quy chế, quy định khác để cắt giảm các chi phí tuân thủ pháp luật không hợp lý mà người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động báo cáo tình hình để cơ quan có thẩm quyền nắm bắt và có biện pháp xử lý kịp thời.