Sự cần thiết Sửa đổi Bộ Chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam - Đề xuất và kiến nghị

|

Sự cần thiết Sửa đổi Bộ Chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam - Đề xuất và kiến nghị

Bối cảnh, sự cần thiết

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra từ ngày 25-27/9/2015. Tại Hội nghị này, Lãnh đạo nhà nước Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và tất cả các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
 
Thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch hành động đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể. Theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao làm cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành và theo dõi tình hình thực hiện Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam.
 
Theo đó, Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tại Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019 (sau đây viết gọn là Thông tư số 03), gồm 158 chỉ tiêu. Qua quá trình thực hiện, Bộ chỉ tiêu đã đáp ứng được nhu cầu thông tin thống kê phục vụ theo dõi, giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; phục vụ biên soạn các báo cáo SDG hàng năm và định kỳ của Việt Nam. Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thực hiện, Bộ chỉ tiêu đã bộc lộ một số hạn chế như:
 
Một là, nhiều chỉ tiêu chưa có số liệu, hoặc một số chỉ tiêu có số liệu chung, chưa có số liệu đầy đủ theo các phân tổ quy định.
 
Hai là, một số chỉ tiêu số liệu còn có sự khác nhau giữa Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành. Một số chỉ tiêu được đưa ra dựa trên hệ thống chỉ tiêu SDG toàn cầu nhưng hiện chưa rõ nội dung, phương pháp tính hoặc nội dung, phương pháp tính đã thay đổi, cập nhật hàng năm.
 
Ba là, công tác thu thập, theo dõi, báo cáo các chỉ tiêu chưa thực sự được quan tâm và dành thời gian, nguồn lực thỏa đáng. Chưa có cơ chế, cách thức phối hợp rõ ràng giữa các Bộ, ngành, cơ quan và Tổng cục Thống kê trong việc tính toán số liệu của một số chỉ tiêu, dẫn đến một số chỉ tiêu chưa được tính toán theo đúng công thức mà Thông tư 03 đề ra.
 
Ngoài ra, Bộ chỉ tiêu này đã lạc hậu bởi Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của toàn cầu đã được sửa đổi, cập nhật hàng năm và Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021.
 
Với những bất cập hạn chế trên, Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam cần được sửa đổi để nâng cao chất lượng và thống nhất, phù hợp với Bộ chỉ tiêu SDG toàn cầu và các quy định hiện hành của Việt Nam.

Quan điểm, nguyên tắc sửa đổi
 
Việc sửa đổi Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam được thực hiện theo quan điểm, nguyên tắc sau:
(1) Bộ chỉ tiêu cần phản ánh được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Hay nói cách khác, các chỉ tiêu về phát triển bền vững của Việt Nam phải phản ánh, giám sát, đánh giá 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể được quy định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Bảo đảm phản ánh, quy định tối đa các chỉ tiêu trong Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam tại Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam gồm 117 chỉ tiêu, qua rà soát, Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGI) theo Thông tư số 03 so với Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung như sau (xem biểu đồ):

 

 
(3) Bảo đảm sự thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu hiện hành khác của Việt Nam, đặc biệt là với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia sửa đổi.
 
Theo quy định của Luật Thống kê, các Hệ thống chỉ tiêu thống kê đều phải quy định thống nhất với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Do đó, để sửa đổi Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam cần rà soát so với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia sửa đổi. Qua rà soát, có 55 chỉ tiêu thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam đã được quy định trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia sửa đổi, trong đó:
  • Giữ nguyên: 31 chỉ tiêu (56%) - Là những chỉ tiêu đã được quy định thống nhất với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia sửa đổi.
     
  • Cần sửa đổi: 24 chỉ tiêu (44%) - Là những chỉ tiêu quy định chưa thống nhất với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia sửa đổi.
(4) Bảo đảm tính khả thi.
Hiện tại, trong 158 chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, có 128 chỉ tiêu được đánh giá là đã có số liệu, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu dữ liệu chưa đầy đủ; chỉ có số liệu chung, hoặc số liệu một phần của chỉ tiêu, chưa phản ánh đầy đủ chỉ tiêu. Ví dụ: chỉ tiêu 3.6.2. Tỷ suất sinh trong độ tuổi từ 10-19 tuổi: Chỉ có số liệu cho nhóm 15-19 tuổi; không có số liệu hàng năm cho nhóm 10-14 tuổi; hoặc chỉ tiêu 16.6.1. Tỷ lệ dân số hài lòng về dịch vụ công trong lần gần đây nhất: Chỉ có số liệu theo loại hình dịch vụ công; không có số liệu theo các phân tổ: Giới tính, nhóm tuổi, người khuyết tật; dân tộc, …
 
Ngoài ra, số liệu của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và số liệu của trụ cột tài nguyên môi trường rất ít và thường chỉ có số liệu chung của chỉ tiêu, không có số liệu theo phân tổ gây khó khăn cho việc giám sát các mục tiêu về môi trường bền vững một cách đầy đủ. Cụ thể: Trong Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam, chỉ có 9 chỉ tiêu có số liệu theo phân tổ dân tộc và hầu như không có dữ liệu cho người khuyết tật; nhiều chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường không có dữ liệu, như các chỉ tiêu về xử lý nước thải, chất thải; chỉ tiêu về tài nguyên nước và trữ lượng thủy sản trong giới hạn bền vững, …
 
(5) Bảo đảm tính so sánh quốc tế trong điều kiện phù hợp với thực tiễn và nguồn lực hiện có của Việt Nam.
 
Qua rà soát các chỉ tiêu SDG toàn cầu, đề xuất lựa chọn những chỉ tiêu khả thi trong nguồn lực của quốc gia đã có số liệu hoặc có thể tính toán số liệu từ các nguồn thu thập thông tin chính thống của Việt Nam như: Điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê, dữ liệu hành chính.

Đề xuất, kiến nghị
 
Để Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam được triển khai hiệu quả hơn so với Thông tư số 03, sau khi Bộ chỉ tiêu sửa đổi được ban hành, một số nội dung sau đây cần được triển khai:
 
Một là, xây dựng Hệ thống biểu mẫu báo cáo để thu thập các chỉ tiêu thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
 
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ, ngành báo cáo số liệu về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), khắc phục những bất cập của Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trước đây, như: Cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa bộ, ngành và Tổng cục Thống kê còn hạn chế; Việc tiếp cận, cập nhật số liệu từ các Bộ, ngành còn gặp nhiều khó khăn; hằng năm các bộ, ngành, cơ quan chưa chủ động gửi số liệu về Tổng cục Thống kê như yêu cầu của Thông tư 03; Thông tư số 03 chưa hướng dẫn cụ thể biểu mẫu thu thập thông tin, dẫn đến các bộ, ngành, cơ quan lúng túng trong công tác triển khai thực hiện...
 
Hai là, chủ trì tổng hợp thông tin thống kê được quy định trong Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam.
 
Bộ chỉ tiêu này được phân công cho 21 Bộ, ngành liên quan thực hiện, nhiều chỉ tiêu về tỷ lệ cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và Tổng cục Thống kê để có thể tính toán số liệu (Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng; Tỷ lệ dân số được phổ biến kiến thức về thiên tai, Tỷ lệ nhập học tiểu học,…). Tuy nhiên, hiện các Bộ, ngành chỉ cung cấp số liệu tuyệt đối (một phần của chỉ tiêu).
 
Do đó, Tổng cục Thống kê cần chủ trì tổng hợp, biên soạn thông tin của cả Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững để có dữ liệu đầy đủ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các báo cáo SDG tại Việt Nam.
 
Ba là, cần xây dựng một trang web riêng cho phát triển bền vững của Việt Nam để phổ biến thông tin thống kê thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam.
 
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện SDG, nhưng các dữ liệu, thông tin này chưa được phổ biến rộng rãi mà thường chỉ dùng để báo cáo Chính phủ, Quốc hội và lưu hành nội bộ. Trong khi phần lớn các quốc gia trên thế giới và trong khối ASEAN đã xây dựng website SDG riêng (do cơ quan thống kê quốc gia hoặc cơ quan đầu mối giám sát SDG xây dựng) để phổ biến dữ liệu SDG và các thông tin liên quan đến SDG, nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dữ liệu SDG của các đối tượng dùng tin và bảo đảm so sánh quốc tế./.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Thống kê số 89/2015/QH13; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được Quốc hội thông qua ngày 12/11/2021.
2. Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.
3. Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
4. Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam.
5. Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững toàn cầu của Liên hợp quốc, https://unstats.un.org/sdgs/ indicators/indicators-list/
 
Trần Thị Thùy Linh
Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê - TCTK