Sự cần thiết xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển con người

|

Sự cần thiết xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển con người

Phát triển con người luôn là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong Báo cáo phát triển con người (HDR), công bố lần đầu tiên năm 1990, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) khẳng định: “Của cải đích thực của một quốc gia là con người của quốc gia đó. Mục đích của sự phát triển là để tạo ra một môi trường thuận lợi cho phép con người được hưởng cuộc sống dài lâu, mạnh khỏe và sáng tạo”. Trong báo cáo này, UNDP đã đề xuất và khởi xướng tính Chỉ số phát triển con người (HDI). Đây là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh ba khía cạnh cơ bản sự phát triển của con người là: Giáo dục, tuổi thọ và thu nhập. Tuy nhiên, HDI có điểm yếu là không tính đến bất bình đẳng trong phát triển con người giữa các quốc gia, các vùng, các địa phương, trong khi tình trạng bất bình đẳng, phân phối không đồng đều đang ngày càng rõ ràng hơn và dần trở thành mối quan tâm lớn của xã hội.

Trải qua quá trình nghiên cứu nhiều năm qua, Liên Hợp Quốc và hầu hết các chuyên gia trên thế giới đều có chung quan điểm rằng để đo lường sự phát triển con người của mỗi quốc gia và các vùng, lãnh thổ thì cần có một hệ thống các chỉ tiêu phản ánh các khía cạnh khác nhau của đời sống con người (không thể có một chỉ tiêu tổng hợp nào có thể tích hợp, phản ánh đầy đủ được sự phát triển con người). Chính vì vậy từ năm 2010, ngoài chỉ tiêu HDI, UNDP đã giới thiệu một số chỉ tiêu khác như: Chỉ số Phát triển Con người điều chỉnh theo bất bình đẳng (IHDI), Chỉ số Phát triển Giới (GDI), Chỉ số Bất bình đẳng Giới (GII); Chỉ số Nghèo Đa chiều (MPI); chỉ số lượng phát thải CO2…

Ngoài một số chỉ tiêu mà UNDP đã tính toán cho các quốc gia và được công bố trong các báo cáo về phát triển con người thường niên, Liên Hợp Quốc cũng khuyến khích các quốc gia trên cơ sở dữ liệu sẵn có, có thể tính toán bổ sung thêm các chỉ tiêu khác đặc thù của quốc gia mình cho cấp quốc gia và các cấp nhỏ hơn. Tuy nhiên, đến nay, chưa có một quốc gia nào xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển con người để đánh giá toàn diện thực trạng và đặc điểm phát triển con người trong mối liên hệ với các vấn đề kinh tế xã hội của quốc gia. Đây là một khoảng trống lớn khi các quốc gia đều theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững để “không bỏ ai lại phía sau”. Và một điều quan trọng nữa, đó là hiện nay hầu như chưa có sự đồng thuận giữa các quốc gia về phương pháp luận cũng như số lượng các chỉ tiêu cụ thể đo lường sự phát triển con người đảm bảo tính so sánh quốc tế.

Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, mặc dù Việt Nam đã cố gắng xây dựng một số Báo cáo phát triển con người, tuy nhiên các báo cáo này không được thực hiện thường xuyên. Việc tính toán các chỉ tiêu đo lường phát triển con người trong các báo cáo này chủ yếu là chỉ tiêu HDI cho cấp quốc gia và cấp tỉnh (chưa tính toán được các chỉ tiêu khác theo khuyến nghị của Liên Hợp Quốc như chỉ số phát triển con người điều chỉnh theo bất bình đẳng IHDI, các chỉ tiêu liên quan đến bình đẳng giới….). Bên cạnh đó, cũng chưa có nghiên cứu nào đưa ra lý luận và phương pháp đo lường phát triển con người một cách đầy đủ. Do vậy, cần phải tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống thông qua nội dung và phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê về phát triển con người để cập nhật lý luận và vận dụng kinh nghiệm thành công của thế giới vào Việt Nam. Ngoài ra, những thông tin thống kê về phát triển con người được cập nhật, biên soạn, công bố, phổ biến rộng rãi, thường xuyên một cách có hệ thống còn đáp ứng nhu cầu của đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế.

Về mặt thực tiễn, phát triển con người là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu rất quan trọng và đã được đề cập qua các kỳ Đại hội Đảng. Đại hội XII tiếp tục nêu lên những định hướng lớn: 1. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành mục tiêu của chiến lược phát triển, là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước; 2. Gắn mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa với xây dựng con người; 3. Khẳng định vấn đề xây dựng con người là 4 trong 6 nhiệm vụ trung tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII; 4. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 mang chủ đề: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu “Phát triển bền vững lấy con người làm trọng tâm”, việc nghiên cứu xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê để thu thập, tổng hợp thông tin thống kê phản ánh toàn diện về phát triển con người, phục vụ Đảng, Nhà nước xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển con người nói riêng là rất thiết thực.


Bên cạnh đó, khối lượng thông tin thống kê về dân số đã thu thập và tổng hợp được sau nhiều năm tích cực đổi mới và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin cho các cuộc điều tra thống kê, đặc biệt là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở đã cung cấp nguồn số liệu quan trọng phục vụ tính toán nhiều chỉ tiêu thống kê phát triển con người, chứ không đơn thuần tập trung vào một chỉ tiêu duy nhất là Chỉ số phát triển con người (HDI) như hiện nay.  

Hiện nay, trong danh mục 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định tại Phụ lục của Luật Thống kê năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021), để đánh giá phát triển con người của Việt Nam, chỉ có chỉ tiêu HDI. Trong Niên giám Thống kê hằng năm của Tổng cục Thống kê cũng mới biên soạn và công bố Chỉ tiêu HDI, không có các chỉ tiêu phát triển con người. Trong khi đó, một số chỉ tiêu thống kê liên quan đến phát triển con người đang nằm rải rác trong các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành, tuy nhiên số liệu còn hạn chế và chưa phản ánh toàn diện các mặt của phát triển con người. Cụ thể như sau:

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê gồm 20 nhóm, 230 chỉ tiêu, trong đó có 18 chỉ tiêu liên quan đến phát triển con người.

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN ban hành theo Thông tư số 06/2018/TT-BKHĐT ngày 11/12/2018 của Bộ trưởng Bộ KHĐT gồm 16 nhóm với 103 chỉ tiêu, trong đó có 11 chỉ tiêu liên quan đến phát triển con người.

- Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam gồm 17 mục tiêu và 158 chỉ tiêu, trong đó có 07 chỉ tiêu liên quan đến phát triển con người.

- Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia gồm 06 nhóm và 78 chỉ tiêu, trong đó có 06 chỉ tiêu liên quan đến phát triển con người.

- Bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam gồm 12 nhóm và 83 chỉ tiêu, trong đó có 02 chỉ tiêu liên quan đến phát triển con người.

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giáo dục gồm 06 nhóm với 125 chỉ tiêu, trong đó có 02 chỉ tiêu liên quan đến phát triển con người.

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Thống kê ban hành theo Thông tư số 06/2023/TT-BKHĐT ngày 02/10/2023 của Bộ trưởng Bộ KHĐT gồm 9 nhóm và 58 chỉ tiêu, trong đó có 02 chỉ tiêu liên quan đến phát triển con người.

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tài nguyên và Môi trường ban hành theo Thông tư số 22/2023/TT-BTNMT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ TNMT gồm 15 nhóm và 88 chỉ tiêu, trong đó có 06 chỉ tiêu liên quan đến phát triển con người.

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Văn hóa, thể thao và du lịch ban hành theo Thông tư số 11/2021/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm 5 nhóm và 66 chỉ tiêu trong đó 05 chỉ tiêu liên quan đến phát triển con người.

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh ban hành theo Quyết định 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ gồm 21 nhóm với 154 chỉ tiêu, trong đó có 14 chỉ tiêu liên quan đến phát triển con người.

Như vậy, có 73 chỉ tiêu thống kê liên quan đến phát triển con người trong các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành, trong đó có nhiều chỉ tiêu có sự trùng lặp giữa các hệ thống chỉ tiêu thống kê. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê về phát triển con người để tập hợp các chỉ tiêu đang nằm rải rác trong các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành và bổ sung các chỉ tiêu mới để phản ánh toàn diện về phát triển con người ở Việt Nam, từ đó là căn cứ để lãnh đạo các cấp xây dựng các chính sách, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030./.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động - TCTK