Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành

|

Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Thống kê và các văn bản liên quan với nhiều nội dung quan trọng trong Luật đã đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thống kê nhà nước. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác thống kê; góp phần tích cực trong việc điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương.
 
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Thống kê và các văn bản liên quan được đồng bộ, thống nhất, kịp thời và hiệu quả; nâng cao nhận thức, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác thống kê; giúp độc giả và người dùng tin có kiến thức pháp luật về Thống kê, Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (thuộc Tổng cục Thống kê) đã biên soạn và xuất bản cuốn sách: “Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành”.
 


 
Cuốn sách gồm 2 phần:
 
Phần I: Giới thiệu về Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành.
 
Trong đó, cuốn sách giới thiệu nội dung đầy đủ Luật và một số Nghị định, bao gồm: (1) Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2015; (2) Luật số 01/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; (3) Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê; (4) Nghị định số 100/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
 
Phần II: Hỏi - Đáp Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành
 
Phần này chiếm phần lớn dung lượng cuốn sách, dành để trả lời các câu hỏi liên quan đến Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm:
 
(i) 206 câu hỏi và trả lời, chia thành các tiểu mục, gồm: 134 câu hỏi và trả lời liên quan đến Luật Thống kê và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê.
 
(ii) 14 câu hỏi và trả lời liên quan đến Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê.
 
(iii) 18 câu hỏi và trả lời liên quan đến Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
(iv) 40 câu hỏi và trả lời liên quan đến Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê và Nghị định số 100/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
 
Ngày 23 tháng 11 năm 2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Thống kê (Luật số 89/2015/QH13); có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.
 
Ngày 12 tháng 11 năm 2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê (Luật số 01/2021/QH15); có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
 
Phạm vi điều chỉnh của Luật Thống kê như sau: Hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước, tổ chức thống kê nhà nước; Hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước.
 
Luật Thống kê được áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin; Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thống kê; Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê.
 
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê điều chỉnh các nội dung, gồm:
 
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 như sau: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau đây: (i) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (ii) Hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. (iii) Định kỳ 05 năm rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước.
 
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 như sau: Người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố.
 
Thứ ba, thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê bằng Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê, gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu cụ thể./.
 
Thu Hiền