Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020

|

Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020

Sáng ngày 06/01/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020. Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh chủ trì cuộc Họp báo.

 

Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh chủ trì cuộc Họp báo.

Tham dự cuộc Họp báo có bà Valentina Baccuci, Phó giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), đại diện một số Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc TCTK, các cơ quan thông tấn báo chí và Cục Thống kê địa phương tại các điểm cầu.

Theo báo cáo lao động việc làm quý IV và năm 2020 của TCTK cho thấy, Lực lượng lao động tiếp tục tăng theo đà hồi phục của quý III năm 2020 nhưng vẫn chưa thể trở về trạng thái của cùng kỳ năm trước. Theo đó, Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2020 là 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 860,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2020 ước tính là 74,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2020 là gần 54,0 triệu người, tăng 623 nghìn người so với quý trước và giảm 945 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.

 

Toàn cảnh họp báo

Số lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2020 là 20,9 triệu người, tăng 233 nghìn người so với quý trước và tăng 338,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2020 là 56,2%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Đại dịch Covid-19 không chỉ tước đi cơ hội có việc làm chính thức của nhiều người lao động mà còn khiến họ rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Quý IV năm 2020, cả nước có 902,2 nghìn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, cao hơn nhiều so với các quý năm 2019. Tuy nhiên, so với các quý đầu năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi đã giảm mạnh, từ 3,08% trong quý II xuống còn 2,79% trong quý III và đạt 1,89% trong quý IV. Điều này chứng tỏ, mặc dù vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường lao động Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi nhu cầu lao động tăng lên phục vụ yêu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm.

Phát biểu tại Họp báo, bà Valentina Baccuci, Phó giám đốc ILO đã đánh giá cao bản báo cáo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020 của TCTK.  Theo bà Valentina Baccuci, số liệu báo cáo trong quý IV càng củng cố thêm xu hướng xuất hiện ở quý III khi ghi nhận các chỉ tiêu liên quan đến lao động đang thể hiện xu hướng tương đối tích cực so với những tháng khó khăn trước đó (quý II) và nền kinh tế đang có những phục hồi nhất định. Báo cáo cũng cho thấy tốc độ phục hồi của gần 400 nghìn việc làm ở lĩnh vực sản xuất và hơn 360 nghìn việc làm ở lĩnh vực dịch vụ. Trong suốt năm 2020, điều tra lao đông việc làm vô cùng quan trọng trong việc mô tả ý nghĩa, những hàm ý, những nội hàm tác động của dịch Covid - 19 đến Việt Nam nói chung và lưc lượng lao động nói riêng. Bà Valentina Baccuci bày tỏ mong muốn việc điều tra này sẽ vẫn tiếp tục duy trì vai trò quan trọng trong việc duy trì, giám sát tình hình phục hồi kinh tế trong thời gian tới đây.

Tại buổi Họp báo, TCTK cũng dành nhiều thời gian trả lời thỏa đáng câu hỏi của các cơ quan truyền thông về các nội dung liên quan đến tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020

Phát biểu kết thúc Họp báo, Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội cũng như việc làm cho thấy Việt Nam đã có thành tích nổi bật. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn đòi hỏi trong thời gian tới Việt Nam sẽ phải tiếp tục có những chính sách, giải pháp để có những hỗ trợ. Cụ thể theo Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh, ngày 1/1/2021, Chính phủ cũng đã ra nghị quyết 01 về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 trong đó có những ý tưởng nêu rất rõ trong việc chủ động và sử dụng nguồn lực liên quan đến hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là có những giải pháp, chính sách liên quan đến tài chính, tín dụng, ngân sách và giảm thuế, giãn thuế…. để hỗ trợ doanh nghiệp trong đối phó với dịch Covid - 19./.

M.T