Khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan

|

Khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 5/2024 ước đạt 801,3 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 573,8 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 110,9 nghìn tấn, tăng 5,8%; thủy sản khác đạt 116,6  nghìn tấn, tăng 1,7%. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng Năm ước đạt 434,8 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 288,1 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 97,1 nghìn tấn, tăng 6,2%.

Sản lượng cá tra trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức cao ổn định và xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu phục hồi nên hộ nuôi cá và doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng nuôi phù hợp để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 155,0 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng tôm trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 68 nghìn tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 23 nghìn tấn, tăng 3,1%.

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng Năm ước đạt 366,5 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết ngư trường thuận lợi, bao gồm: Cá đạt 285,7 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 13,8 nghìn tấn, tăng 2,9%; thủy sản khác đạt 67 nghìn tấn, giảm 0,5%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 351,3 nghìn tấn, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 3.515,2 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.570,1 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 408,5 nghìn tấn, tăng 4,3%; thủy sản khác đạt 536,6 nghìn tấn, tăng 2,2%.
 
Hình 1. Sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm 2024
so với cùng kỳ năm 2023
                                                                                                                                       Nguồn: Tổng cục Thống kê

Sau những tổn thất không nhỏ cả về xuất khẩu lẫn uy tín kinh doanh trên thị trường quốc tế, hiện Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm phát triển khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm nói chung, tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) nói riêng.

Trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 10/2023, kết quả triển khai công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) đã có sự tiến bộ so với trước. Tuy nhiên vẫn chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế. Thực trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình VMS vẫn xảy ra; có hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý. Việc chuyển đổi phát triển ngành thủy sản hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và việc thay đổi ý thức của ngư dân là một thách thức lớn. 

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực giải quyết số lượng tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các tàu đánh cá vi phạm mà hồ sơ không bảo đảm.

Đợt thanh tra lần thứ 5 (dự kiến vào tháng 9-10/2024 tới đây) là thời điểm quyết định để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC trong năm 2024. Vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ, cơ quan có liên quan và Lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay. Quyết liệt triển khai các giải pháp phù hợp nhằm quản lý, kiểm soát sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương vừa bảo đảm truy xuất được nguồn gốc vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác của bà con ngư dân; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc hợp tác với các nước để tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản hợp pháp ở vùng biển nước ngoài./.
 
B.N