Dù đã được cảnh báo năm 2023 là một năm nhiều trở ngại, thế nhưng vượt qua cả dự đoán, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải gồng mình với những khó khăn chồng chất như thời gian qua. Chính phủ và các Bộ, ngành vẫn đang tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ, giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể lực, sức đề kháng tốt hơn để vững vàng vượt qua những khó khăn trong năm 2024.
Năm 2023 - Nhiều doanh nghiệp rời khỏi đấu trường khốc liệt
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 27,1% so với năm 2021; vốn đăng ký đạt 1.590,9 nghìn tỷ đồng, giảm 1,3%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm trước. Năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới có dấu hiệu chững lại là 159,3 nghìn doanh nghiệp, chỉ tăng 7,2% so năm trước, với tổng số vốn đăng ký tiếp tục đạt thấp 1.521,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,4%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm trước.
Bên cạnh đó, nếu như năm 2022, chỉ có 143,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì con số này trong năm 2023 vừa qua là 172,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,5% so năm trước. Năm 2022, bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn năm 2023 là 14,4 nghìn doanh nghiệp. Điều đáng nói là, trong số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023 không chỉ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn là những doanh nghiệp ở quy mô tương đối lớn. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động đều đuối sức với doanh thu, lợi nhuận sụt giảm và phải loay hoay giải bài toán thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc, tìm hướng đi riêng cho mình, cũng như tiết kiệm mọi mặt chi phí để giảm giá thành sản phẩm… nhằm bảo toàn năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, khách hàng, thị trường. Những con số trên đủ nói lên thể trạng yếu của cộng đồng doanh nghiệp trong năm vừa qua.
Bên cạnh đó, nếu như năm 2022, chỉ có 143,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì con số này trong năm 2023 vừa qua là 172,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,5% so năm trước. Năm 2022, bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn năm 2023 là 14,4 nghìn doanh nghiệp. Điều đáng nói là, trong số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023 không chỉ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn là những doanh nghiệp ở quy mô tương đối lớn. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động đều đuối sức với doanh thu, lợi nhuận sụt giảm và phải loay hoay giải bài toán thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc, tìm hướng đi riêng cho mình, cũng như tiết kiệm mọi mặt chi phí để giảm giá thành sản phẩm… nhằm bảo toàn năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, khách hàng, thị trường. Những con số trên đủ nói lên thể trạng yếu của cộng đồng doanh nghiệp trong năm vừa qua.
Hình 1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở kinh tế lớn, đã tham gia và đang đàm phán tổng cộng 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Do đó, những khó khăn cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt chủ yếu đến từ sự bấp bênh của kinh tế toàn cầu khi hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng thấp, thậm chí là âm do phải đương đầu với lạm phát, lãi suất cao, cầu tiêu dùng giảm sút cùng những món nợ khổng lồ từ chi phí chống dịch và khắc phục hậu quả của đại dịch để lại. Một trong những yếu tố bất ổn nhất là thương mại toàn cầu năm 2023 giảm đáng kể. Vào cuối năm ngoái, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, thương mại toàn cầu trong năm 2023 ước tính sụt giảm 5% so với với mức kỷ lục năm 2022, tương đương giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ USD xuống mức dưới 31 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó ở trong nước, doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận vốn, dòng tiền, lãi suất cao. Nhiều doanh nghiệp bất động sản bị đứt dòng tiền do thị trường đóng băng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong năm 2023, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Nhà nước có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%) với số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 38 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ khoảng hơn 110 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) khoảng 10,4 nghìn tỷ - 11,2 nghìn tỷ đồng; giảm lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước khoảng 8 nghìn - 9 nghìn tỷ đồng; giảm tiền thuê đất phải nộp khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, có các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại với hàng loạt gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp, giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt mạnh trong nửa cuối năm, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Để gỡ bỏ những nút thắt bủa vây các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Chính phủ còn phản ứng linh hoạt, ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP; Nghị quyết số 33/NQ-CP với kỳ vọng xoa dịu áp lực thanh khoản trong ngắn hạn, khơi thông thị trường trái phiếu nhằm giúp các doanh nghiệp bất động sản khơi thông dòng vốn; tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế trong nước, việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn khá thấp, liều thuốc hỗ trợ chưa đủ mạnh, khiến cho nhiều doanh nghiệp bị loại khỏi đấu trường khốc liệt trước khi tiếp cận được chính sách đó.
Thể trạng yếu của cộng đồng doanh nghiệp còn do bản thân các doanh nghiệp chưa chủ động có những biện pháp cố gắng vượt lên khó khăn, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu. Đơn cử như ngành dệt may Việt Nam, dù đã có nhiều cảnh báo về chuyển đổi xanh song lại chưa có sự chuyển đổi kịp thời, làm mất đi thị trường xuất khẩu quan trọng. Hơn thế, một số doanh nghiệp dệt may vẫn phụ thuộc vào thị trường cũ truyền thống, chưa chủ động linh động, linh hoạt tìm kiếm thị trường mới.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức đề kháng
Dự báo trong năm 2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, sự sụt giảm nhu cầu nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn; dư địa hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế ngày càng thu hẹp; thị trường tiền tệ - tín dụng, chứng khoán và bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn còn cao... Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 49,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước; 10 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,5%; gần 3,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,5%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63,0 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,5% so cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 31,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Để tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sức khỏe, cuối năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, áp dụng đến hết năm 2024, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng. Một số khoản thu về phí, lệ phí cũng sẽ được giảm nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách giảm (2%) thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng năm 2023. 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước là khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Cũng cuối năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025” theo Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/01/2024), giúp các doanh nghiệp tiếp cận các chương trình hỗ trợ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trong 2 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm mức lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, trong đó có cả các ngân hàng lớn. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước.
Hy vọng, với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm thể lực, sức đề kháng cùng khả năng chống chịu tốt hơn và vững tin hơn để vượt qua những khó khăn vẫn đang hiện hữu trong năm 2024./.
Để tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sức khỏe, cuối năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, áp dụng đến hết năm 2024, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng. Một số khoản thu về phí, lệ phí cũng sẽ được giảm nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách giảm (2%) thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng năm 2023. 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước là khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Cũng cuối năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025” theo Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/01/2024), giúp các doanh nghiệp tiếp cận các chương trình hỗ trợ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trong 2 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm mức lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, trong đó có cả các ngân hàng lớn. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước.
Hy vọng, với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm thể lực, sức đề kháng cùng khả năng chống chịu tốt hơn và vững tin hơn để vượt qua những khó khăn vẫn đang hiện hữu trong năm 2024./.
ThS. Phạm Thị Phương
Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang