Tăng 9,6% - Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trở thành điểm sáng kinh tế năm 2023

|

Tăng 9,6% - Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trở thành điểm sáng kinh tế năm 2023

Năm 2023, hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã trở thành điểm sáng trong bức tranh với gam màu sáng - tối đan xen của kinh tế Việt Nam. Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng cuối năm diễn ra sôi động góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá tích cực so với năm trước.
 
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Trong đó:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 11,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,5%; may mặc tăng 7,1%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,4%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2023 so với năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 12,2%; Bình Dương tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đồng Nai tăng 9,1%; Cần Thơ tăng 8,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%; Hà Nội tăng 7,1%; Đà Nẵng tăng 5,9%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7% so với năm trước. Doanh thu năm 2023 so với năm trước của một số địa phương như sau: Đà Nẵng tăng 33,9%; Cần Thơ tăng 28,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 28,3%; Hải Phòng tăng 13,1%; Hà Nội tăng 11,2%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 52,5% so với năm trước do năm nay các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Doanh thu năm 2023 của một số địa phương so năm trước như sau: Đà Nẵng tăng 133,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 68%; Hà Nội tăng 47,5%; Hải Phòng tăng 41,9%; Cần Thơ tăng 29,1%.

Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 661,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng mức và tăng 10,4% so với năm trước. Cụ thể mức tăng, giảm năm 2023 so với năm trước của một số địa phương như sau: Ninh Bình tăng 30,4%; Bắc Ninh tăng 22,1%; Đồng Nai tăng 12,9%; Vĩnh Phúc tăng 15,5%; Đồng Tháp tăng 12,6%; Quảng Ninh tăng 10,1%; Đà Nẵng tăng 10,9%; Hà Nội tăng 8,3%; Cần Thơ tăng 7,9%; Hải Phòng tăng 5,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,9%; Quảng Trị giảm 0,6%; Phú Thọ giảm 0,8%.

Hoạt động vận tải trong năm khá sôi động, nhất là vào tháng cuối năm, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và vận chuyển hàng hóa phục vụ các ngày lễ, Tết. Tính chung năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 4.679,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 12,3% so với năm trước và luân chuyển đạt 246,8 tỷ lượt khách.km, tăng 24,2% do lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trở lại. Vận tải hành khách năm 2023 nhìn chung đã phục hồi gần bằng với mức sản lượng năm 2019 (vận chuyển hành khách bằng 92,5% và luân chuyển bằng 99,7%). Trong khi đó, vận tải hàng hóa năm ước đạt 2.344,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,4% so với năm trước (năm 2022 tăng 25,1%) và luân chuyển 489,7 tỷ tấn.km, tăng 10,8% (năm 2022 tăng 29,6%).

 

Hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã trở thành điểm sáng trong bức tranh
kinh tế Việt Nam năm 2023

Xét theo ngành vận tải, hầu hết các ngành đường năm 2023 có tốc độ tăng tích cực so với năm trước do vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước tăng. Riêng vận tải đường sắt tiếp tục giảm do không thuận tiện và chi phí cao hơn vận tải đường thủy.

­­­­Doanh thu hoạt động viễn thông năm 2023 ước đạt 338,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 0,2%). Tổng số thuê bao điện thoại tại thời điểm cuối năm 2023 ước đạt 126,6 triệu thuê bao, giảm 1,8% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 124,2 triệu thuê bao, giảm 1,8%. Số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định tại thời điểm cuối năm ước đạt 22,7 triệu thuê bao, tăng 6,8% so với cùng thời điểm năm trước.

Thêm một điểm sáng đối với kinh tế trong năm 2023 đó là khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023 nhưng chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt người, gấp 2 lần năm trước.

Trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt người, chiếm 86,9% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,3 lần năm trước; bằng đường bộ đạt 1,5 triệu lượt người, chiếm 12,1% và gấp 4 lần; bằng đường biển đạt 126,1 nghìn lượt người, chiếm 1% và gấp 40,2 lần.

Mặc dù tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra, tuy nhiên theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, quy mô của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 vẫn chưa thực sự phục hồi so với thời điểm trước dịch Covid-19. Cụ thể: quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 chỉ bằng 81%; tổng mức bán lẻ chỉ bằng 82%; Doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống chỉ bằng 75%; Doanh thu dịch vụ du lịch chỉ bằng 55%; Doanh thu dịch vụ khác chỉ bằng 83%.

Ngoài ra, cơ cấu chi tiêu của người dân cho các dịch vụ xã hội (bao gồm: Doanh thu lưu trú, ăn uống; Doanh thu du lịch lữ hành; Doanh thu dịch vụ khác) chỉ chiếm 22% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; thấp hơn 2,2 điểm % so với thời điểm năm 2019. Điều này chỉ ra rằng thói quen chi tiêu của người dân vẫn chưa thực sự phục hồi.

Do đó, trong năm 2024, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách có hiệu quả để đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước về thế cân bằng so với thời điểm trước dịch và đạt được tăng trưởng cao hơn nữa./.

Thu Hiền