Việt Nam trở thành quốc gia có trách nhiệm với lương thực toàn cầu

|

Việt Nam trở thành quốc gia có trách nhiệm với lương thực toàn cầu

Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 được tổ chức từ ngày 11-15/12/2023. Đây là sự kiện quy mô, tầm cỡ nhất trong suốt hành trình 14 năm kể từ Festival lúa gạo lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2009.

Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.
 
Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 11 - 15.12 với nhiều sự kiện

Phát biểu khai mạc Festival diễn ra vào tối ngày 12/12/2023 tại tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nhiều thập niên về trước, “chạy gạo từng bữa” từng là nỗi lo toan thường trực, giờ đây, cây lúa đã mở ra “đường lớn”, đưa Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng và cả chất lượng. Gạo Việt Nam nhiều lần được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới. Đây là thành quả của sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của nhiều người gắn bó với cây lúa quê hương; cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, Bộ trưởng cho rằng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững để không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành. Nông dân Việt Nam đang hướng tới những cánh đồng phát thải thấp. Việc sản xuất lúa gạo tập trung vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên.

Gửi thông điệp đến Festival từ điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, cần cù, mến khách, yêu lao động và quảng bá nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm nay của Việt Nam.
 
Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng và phát triển kế hoạch 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân. Đây là một nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc chống biến đổi khí hậu và xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thông điệp tới
Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023 từ điểm cầu Hà Nội - Ảnh: VGP

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Festival, cũng trong ngày 12/12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát động triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt vào ngày 27/11/2023. Mục tiêu của Đề án là nhằm hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.

Giai đoạn 2024-2025, Đề án tập trung củng cố 180.000ha lúa từ Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha; giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Đồng thời, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%; lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Đề án sẽ tập trung thí điểm các chính sách mới như: Chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo... Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Từ những chính sách mới và đột phá đó, Đề án hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa – là chủ thể, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn./.
 
Các ngày diễn ra Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 thu hút sự quan tâm của người dân với chuỗi các hoạt đông hấp dẫn như: Triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam được làm với khoảng 20.000 chậu lúa với chủ đề "Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt"; Triển lãm sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố cả nước; Triển lãm chuỗi ngành hàng lúa gạo; Hội thi món ngon từ gạo - nếp; Giới thiệu máy móc, thiết bị canh tác lúa gạo, trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm và các hội thảo liên quan đến ngành hàng lúa gạo...

Festival sẽ xác lập ba kỷ lục Việt Nam, đó là: Không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo, chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” dài nhất; Mô hình bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành nhiều nhất và Sự kiện chế biến, công diễn các món bánh làm từ gạo, nếp nhiều nhất Việt Nam (200 món).
 
P.V