Đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực tạo ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, tăng cường an sinh xã hội, đồng thời tạo ra tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối địa phương, kết nối vùng; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững… Với vai trò đó, trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công như là một giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiệu quả đầu tư công trong nền kinh tế
Những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc hoàn thiện các cơ chế, chủ trương chính sách đối với đầu tư công và có nhiều nỗ lực trong tái cơ cấu đầu tư công theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường phân cấp đầu tư và nâng cao hiệu quả thực hiện vốn đầu tư. Do đó, đầu tư công của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, góp phần làm thay đổi và phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Các dự án đầu tư công đã hoàn thành đang đóng góp trực tiếp lại cho nền kinh tế
Sau khi Luật Đầu tư công năm 2014 được ban hành, quy trình đầu tư công có sự thay đổi cơ bản, từ kế hoạch hằng năm chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn, với kế hoạch 5 năm. Từ đó đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy được vai trò của đầu tư công trong lan tỏa, liên kết các vùng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Đầu tư công trung hạn cũng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy cơ cấu lại đầu tư và cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ; cơ bản bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế-xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác, chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.
Giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng cả ở khía cạnh đóng góp trực tiếp trong giá trị tăng trưởng GDP của nền kinh tế, cả ở khía cạnh tác động lan tỏa đến tăng trưởng của các ngành nghề có liên quan, tạo việc làm, góp phần tăng cường an sinh xã hội, cũng như tạo nền tảng về kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn. Trong bối cảnh các động lực về xuất khẩu, tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, đầu tư công được coi là động lực quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế.
Những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công đồng bộ, khẩn trương, sát sao, hiệu quả. Theo đó, năm 2022 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 nghị quyết (3 nghị quyết chuyên đề), 4 công điện, 7 văn bản; tổ chức 3 hội nghị trực tuyến với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt gần 93,5% kế hoạch. Đây là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021. Trong năm 2022, đầu tư công cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 và nhiều công trình, dự án quan trọng khác.
Bước sang năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công được Quốc hội thông qua với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng. Đây là tổng mức đầu tư rất lớn, tăng khoảng 23% so với kế hoạch năm 2022 và cũng là năm có nguồn lực lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Để triển khai hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công này, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ngày14/3/2023, Thủ tướng đã ký Quyết định số 235/QĐ-TTg về thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công tại các Bộ, ngành và địa phương. Các Tổ công tác đã quyết liệt kiểm tra, đôn đốc, tìm giải pháp tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực tập trung triển khai phân giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 kịp thời, đáp ứng được yêu cầu dự án có thể thực hiện và giải ngân ngay từ các tháng đầu năm, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay. Nhiều Bộ, ngành và địa phương đã giao từng đầu việc cụ thể cho mỗi Sở, ban, ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, từ đó đã thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công từ sớm, từ xa.
Tính đến ngày 30/9/2023, lượng giải ngân vốn đầu tư công khoảng 363.310 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch. Đây là năm đầu tiên giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vượt mức 50% và là động lực tăng trưởng rất quan trọng cho nền kinh tế. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,68 điểm phần trăm (năm 2022 tỷ lệ giải ngân sau 9 tháng là 46,7%). Như vậy, năm 2023 với kế hoạch vốn giao rất lớn và tỷ lệ đạt cao với 51,38% cho thấy kết quả giải ngân đầu tư công đạt được là rất tích cực.
Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) trong Báo cáo thẩm tra về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho thấy, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 29/2021/QH15, ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung han giai đoạn 202-2025 đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, kế hoạch ĐTCTH giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua sớm hơn gần 01 năm so với giai đoạn 2016-2020, đã tạo ra sự chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ, góp phần triển khai đồng bộ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tiếp tục phát triển.
Thể chế về đầu tư công tiếp tục được hoàn thiện, việc phân công, phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Trong quá trình chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công hàng năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai và minh bạch hơn. Kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công đã được tăng cường, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công. Vốn đầu tư công được bố trí tập trung hơn, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, tăng cường quyền tự chủ, chủ động, trách nhiệm của các cấp đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào sử dụng phát huy hiệu quả, số lượng dự án khởi công mới giảm mạnh.
Nguồn vốn đầu tư công đã tập trung bố trí các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, bố trí vốn tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh việc tăng cường thực hiện giải ngân vốn đầu tư, trong những năm qua, hiệu quả đầu tư của Việt Nam thể hiện ở chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) cũng được nâng lên. Theo Tổng cục Thống kê, hệ số ICOR đã giảm từ 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,98 năm 2018 và 6,08 năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 6,13, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực nên ICOR năm 2020 đạt 14,28; bình quân giai đoạn 2016-2020 hệ số ICOR đạt 7,04.
Tiếp tục phát huy vai trò đầu tư công trong nền kinh tế
Những năm qua, đầu tư công được đẩy nhanh đã hỗ trợ cho nền kinh tế, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn có những thách thức trong triển khai thực hiện như: Vướng mắc về một số cơ chế chính sách; Tiến độ giải ngân mặc dù đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo đôn đốc song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa thực sự thành công; vướng mắc trong công tác xác định giá đất để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng…
Ngày 28/7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 32-34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Tỷ trọng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 28%, phấn đấu khoảng 29% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư công; Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
Về mục tiêu tổng quát, theo Nghị quyết số 29/2021/QH15, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước; tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Về định hướng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế. Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài; giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới.
Đầu tư công phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược.
Bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 2.870.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng (vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng) vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng. Dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn.
Căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội giao và trên cơ sở tình hình thực tế trong triển khai thực hiện đầu tư công những tháng đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư công đã báo cáo Chính phủ các kịch bản về tăng trưởng GDP cả năm 2023. Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội.
Để giải ngân vốn đầu tư công về đích theo kế hoạch đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:
Một là, bám sát, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ba Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, lãnh đạo các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; giao từng lãnh đạo Bộ, Cơ quan, UBND tỉnh trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Ba là, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật đầu tư công để cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn trong triển khai hoạt động đầu tư công, nhất là khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguyên, nhiên vật liệu cho các dự án.
Bốn là, đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của Bộ, cơ quan, địa phương theo quy định.
Năm là, làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, công tác dân vận giúp đỡ người dân trên quan điểm bảo đảm tốt nhất có thể, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; xác định rõ và công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện lựa chọn nhà thầu. Về nguyên vật liệu cho các dự án, cần nâng cao công tác dự báo và có sự điều tiết; Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng theo quy định.
Bảy là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý đầu tư công./.
Trang Nguyễn