Tăng cường cơ chế chính sách để gỡ khó, phục hồi thị trường bất động sản

|

Tăng cường cơ chế chính sách để gỡ khó, phục hồi thị trường bất động sản

Xác định thị trường bất động sản có vai trò quan trọng, đóng góp to lớn với nền kinh tế và có tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong năm 2023, trước nguy cơ “tuột dốc” của thị trường bất động sản, Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành đã triển khai quyết liệt nhiều cơ chế, chính sách, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để vực dậy thị trường bất động sản, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng.

Hiệu quả tích cực nhờ cơ chế tháo gỡ khó khăn

Những nỗ lực của Chính phủ cùng các Bộ, ngành thể hiện ở việc các cơ chế, chính sách được ban hành liên tục và kịp thời, ngày càng bám sát nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp. Trong đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được cho là quyết sách hiệu quả, mang tính định hướng và chỉ dẫn cao.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 756/TTg-KTTH ngày 23/8/2023 phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp thu các ý kiến, khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 (Thông tư 06) theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, cản trở; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, quy định không rõ ràng; tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận vay vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn. Ngoài ra còn nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến lĩnh vực bất động sản được ban hành.

 

Chính phủ và các Bộ, ngành quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, phục hồi thị trường bất động sản

Đến nay, các cơ chế, chính sách thúc đẩy bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu, nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản từng bước được tháo gỡ, bức tranh tổng thể của thị trường bất động sản có thêm nhiều điểm sáng. Bất động sản khu công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì sự hấp dẫn khi thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam đã mở thêm cơ hội đối với phân khúc này, khi có thêm sự quan tâm mới của một số nhà đầu tư Hoa Kỳ. Bất động sản nghỉ dưỡng tuy chưa có cơ hội chuyển mình một cách đồng bộ nhưng tại một số địa phương đã ghi nhận động thái tích cực từ khâu giải quyết thủ tục hành chính trên đất thương mại, dịch vụ. Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) lĩnh vực bất động sản vẫn duy trì được sự quan tâm khi một số chủ đầu tư đã cố gắng theo đuổi, kêu gọi đầu tư thay vì chuyển nhượng toàn bộ dự án. Các địa phương cũng tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp bất động sản. Nhiều dự án đầu tư công được triển khai, đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông tại một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ… tạo kỳ vọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển chất lượng và bền vững.

Kể từ tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp với mức điều chỉnh giảm rõ rệt, dao động từ 6,7% đến 10%, tiệm cận về mức đầu năm 2022, giảm từ 0,4% đến 3,5% so với cuối quý II/2023. Thông tư 06 cho phép vay đảo nợ, kích hoạt cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng cũng mở ra cơ hội để khách hàng tiếp cận được với các khoản vay có chi phí thấp hơn. Tính đến hết tháng 8/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt trên 986,47 nghìn tỷ đồng, trong khi dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 800 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt 5,57%, tương đương tăng thêm gần 663,9 nghìn tỷ đồng, trong đó, riêng lĩnh vực bất động sản đã được các ngân hàng đã “bơm” thêm gần 186,5 tỷ đồng. Nhờ đó, tình hình của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện, niềm tin vào thị trường của khách hàng nhà nhà đầu tư ngày càng được củng cố. Nhiều nhà đầu tư của một số dự án quyết tâm giữ hàng dù được phép trả lại cọc và khoản lãi phát sinh do dự án đến thời hạn cam kết mua lại; đồng thời thị trường cũng xuất hiện các nhóm nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới đang được kỳ vọng.

Tác động tích cực của các chính sách tài khóa và cơ chế tháo gỡ khó khăn đã giúp vướng mắc về vốn của các dự án bất động sản dần được giải quyết, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư và đẩy lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian. Theo Hiệp hội Môi giới bất động sản (VARS), giao dịch bất động sản trong 3 quý đầu năm 2023 đã tăng lên đáng kể; tổng giao dịch quý I, II, III lần lượt đạt 2.700, 3.700 và 6.000 giao dịch.

Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt về cấp vốn cho thị trường

Đến thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản trong nước đã có nhiều điểm khởi sắc, tuy nhiên, những tín hiệu lạc quan mới chỉ đạt được mục tiêu ngăn cản “cú lao dốc” chứ chưa thể vực dậy thị trường như kỳ vọng. Trên thực tế, nhiều dự án chưa được giải quyết vướng mắc về pháp lý dẫn đến việc doanh nghiệp khó triển khai vay vốn ngân hàng; quan hệ cung - cầu chưa tương xứng; thủ tục vay còn phức tạp, chi phí phát sinh lớn… là một trong những vấn đề nổi cộm kìm hãm sự phục hồi của thị trường.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến hết quý III/2023, có 3.394 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới, giảm 52,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi số doanh nghiệp giải thể lại tăng thêm 10,7% ở con số 963 doanh nghiệp. Như vậy, trong bình mỗi tháng, có hơn 100 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Theo VARS, toàn thị trường hiện có hàng nghìn dự án phát triển bất động sản với hàng trăm nghìn sản phẩm có tổng giá trị hơn 300 tỷ USD; trong đó có khoảng 1,2 nghìn dự án đang vướng mắc với trị giá khoảng 30 tỷ USD. Ngoài điểm sáng từ phân khúc bất động sản khu công nghiệp, nguồn cung tăng nhẹ ở phân khúc nhà phố/biệt thự, liền kề với số lượng không nhiều, nguồn cung phân khúc nhà ở vẫn giảm mạnh. Nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tăng gấp đôi so với quý II, nhưng chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Lực cầu của thị trường vẫn chỉ bằng 30% so với giai đoạn trước khi thị trường gặp khó khăn. Tại các sàn giao dịch bất động sản, có 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự với niềm tin thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm 2023.

Trước những khó khăn chưa thể giải quyết, Chính phủ tiếp tục triển khai những giải pháp quyết liệt nhằm kích thích phục hồi thị trường. Ngày 24/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp cho thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP, các văn bản chỉ đạo trong năm 2023 và tại các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đây. Các Bộ liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách, nhất là các Luật đang trong quá trình hoàn thiện, sửa đổi.

Đáng chú ý, tại Công điện 993/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; Tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện 993/CT-TTg, tiếp tục tạo chuyển biến tích cực và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn với đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”./.

Duy Hưng