Đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng

|

NDO - NDĐT - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, do Văn phòng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương (KTTƯ) phối hợp tổ chức, diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng cao 7%/năm và đang đứng trước cơ hội lớn để đuổi kịp các nước phát triển.

Vì vậy, Diễn đàn hội tụ trí tuệ của nhiều chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế cùng trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những khuyến nghị quan trọng, giúp Chính phủ Việt Nam định hình chính sách để bứt phá trong năm 2019 cũng như xây dựng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Tìm đường trở thành con hổ mới châu Á

Truyền đi thông điệp mạnh mẽ về khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng của Việt Nam, Trưởng Ban KTTƯ Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Năm 2018 là một năm thành công nhất của Việt Nam kể từ năm 2008 đến nay, khi tăng trưởng GDP đạt 7,08%, nằm trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù vậy, đây cũng chính là lúc cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới. Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách. “Vậy lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là “một con mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á”, ông Nguyễn Văn Bình trăn trở.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam không chỉ phát triển theo bề rộng nền kinh tế, bởi như vậy sẽ không đem lại chất lượng thật sự cho nền kinh tế, bảo đảm cho trung hạn và bền vững. Thay vào đó, cần nâng cao hiệu suất tăng trưởng, hài hòa hóa sự tham gia của tư nhân vào nền kinh tế và khuôn khổ chính sách đầu tư theo chuẩn quốc tế. Dự trữ và tiết kiệm nguồn lực, tài chính để bảo đảm khả năng tự cường và sự dẻo dai của nền kinh tế, chống lại những cú sốc từ bên ngoài. Động lực cho tăng trưởng trung và dài hạn của Việt Nam chính là tăng cường hiệu suất nền kinh tế thông qua thúc đẩy giá trị xuất khẩu, nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, đẩy mạnh phát triển của khu vực tài chính... Một động lực khác đến từ việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và chủ động đối phó với tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng đánh giá, Việt Nam hiện chưa bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh thương mại, nhưng cũng phải hành động nhanh nhạy, quyết liệt trước những dự báo về hàng hóa các nước tràn vào và hàng hóa nước ngoài qua Việt Nam để vào thị trường khác. Vừa qua, Chính phủ theo đuổi chính sách vĩ mô thận trọng, bền vững, cho nên về ngắn hạn, Việt Nam có thể chịu tác động bất lợi, nhưng trong dài hạn sẽ là cơ hội. Bộ đã có các giải pháp ứng phó như: chủ động tìm kiếm đối tác, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng khác, thay vì tập trung vào hai đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Tiếp tục tháo gỡ những nút thắt

Theo nhiều chuyên gia, hạn chế về hạ tầng và bảo đảm an ninh năng lượng không chỉ là vấn đề mới nảy sinh mà đang là nút thắt cổ chai, kìm hãm tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Khẳng định Việt Nam có tiềm năng, ưu thế phát triển các năng lượng tái tạo, Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie John Kerry cho rằng, năng lượng tái tạo sẽ là lựa chọn tối ưu cho Việt Nam, thay vì sử dụng năng lượng từ nguyên liệu hoá thạch là than đá, gây phát thải lớn cho môi trường. Nếu tính tất cả các yếu tố, thì nhiệt điện than không rẻ hơn các năng lượng mới, năng lượng sạch. Do đó, để phát triển năng lượng sạch, Việt Nam cần áp dụng cơ chế hỗ trợ giá, huy động vốn, thúc đẩy tư nhân tham gia đầu tư hệ thống truyền tải vốn đang là điểm nghẽn lớn nhất trong vấn đề năng lượng hiện nay; đẩy mạnh sử dụng nguồn điện mặt trời trên mái, thúc đẩy vào đầu tư pin trữ lớn và sử dụng số hóa truyền tải điện…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, thế giới đang ở điểm gẫy của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số (KTS), là cơ hội cho Việt Nam thực hiện khát vọng thịnh vượng. Tuy còn chậm hơn một số quốc gia khác, nhưng Việt Nam đang định hướng phát triển KTS thành động lực tăng trưởng mới. KTS vừa qua tự phát triển khá tốt, tuy nhiên bây giờ là lúc cần có sự dẫn dắt của Chính phủ bằng Chiến lược quốc gia về KTS. Trong đó, nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, cũng như thời gian và cách làm cho KTS. Bên cạnh đó, KTS cũng sinh ra những mô hình kinh tế hoặc thách thức mới, như sự ra đời của Grab, Uber. Vấn đề là Chính phủ có dám chấp nhận những mô hình kinh doanh này không. “Số hóa là cách mạng về chính sách nhiều hơn về công nghệ. Không phải quản được thì mở, quản đến đâu mở đến đó, mà phải là tư duy cái gì không biết quản thế nào thì để cho nó phát triển đến mức độ nhất định. Và khi đã bộc lộ hết, mới xây dựng chính sách để quản lý”, ông Hùng kiến nghị. Cùng chung nhận xét, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, thách thức lớn để phát triển KTS ở Việt Nam có dám “đập bỏ” sự cát cứ về dữ liệu không. Với các giải pháp của Chính phủ đang thực hiện, Việt Nam có đầy đủ ý chí và nghị lực để giải quyết các vấn đề xã hội và bứt phá đi lên từ KTS.

Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới gắn với tăng cường liên kết giữa khu vực FDI với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, tạo thêm giá trị trong nước cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần tham khảo quốc tế để đưa ra chính sách toàn diện nâng cao năng lực cạnh tranh (kỹ năng, thể chế, cơ sở hạ tầng) cũng như các chương trình cải cách thực tiễn. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ vượt trội để tháo gỡ khó khăn của DN trong nước khi kết nối với DN FDI, giúp DN trong nước trở thành nhà cung ứng chất lượng.

Với ba hội thảo chuyên đề, hơn 2.000 đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 đã tập trung thảo luận vào các vấn đề chính của nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, như: huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng; ứng phó biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng bảo đảm phát triển bền vững; định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.

(Nguồn: Ban Kinh tế Trung ương)