Nửa nhiệm kỳ qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, TP Đà Nẵng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến động, khó dự báo; Trong nước, tình hình lạm phát tăng cao, kinh tế đất nước dần phục hồi nhưng chưa bền vững, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thiên tai, dịch bệnh, cùng nhiều khó khăn mới phát sinh, nhất là dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trong các năm 2020, 2021 đã ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến tình hình kinh tế - xã hội Thành phố. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh, vượt qua khó khăn, nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ Thành phố. Nhờ đó, Đà Nẵng đạt được một số kết quả đáng ghi nhận và có chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực.
TP. Đà Nẵng phấn đấu thực hiện và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu
Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế Thành phố từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) giai đoạn 2021-2023 ước tăng 6,3%/năm, trong đó, dịch vụ ước tăng 8,6%/năm, công nghiệp - xây dựng ước tăng 1,1%/năm (công nghiệp tăng 3,3%/năm), nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 1,9%/năm; đây là mức tăng khá trong bối cảnh Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. TP. Đà Nẵng thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động xã hội cao hơn bình quân cả nước (năm 2021 ước đạt 201,7 triệu đồng/người, cả nước ước đạt 172,8 triệu đồng/lao động).
Một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực từng bước phục hồi và có chuyển biến khá so với thời điểm năm 2019 (trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19). Trong đó, khu vực dịch vụ, du lịch phát triển khởi sắc và giữ vai trò là động lực tăng trưởng, đến năm 2023 ước chiếm hơn 69% GRDP (cao hơn tỷ lệ 40% của toàn quốc). Trong giai đoạn 2021-2023, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 11,3 triệu lượt, tăng 32,5%/năm, trong đó, khách nội địa ước đạt hơn 9,2 triệu lượt, tăng 29,4%/năm, khách quốc tế ước đạt 2,1 triệu lượt, tăng 44,9%/năm; tổng doanh thu lưu trú, lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 19 nghìn tỷ đồng, tăng 50,9%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 11,3%/năm; từng bước hình thành một số tuyến phố chuyên doanh, chợ đêm, khu phố kinh doanh không dùng tiền mặt. Hoạt động xuất, nhập khẩu khôi phục tích cực và đạt tăng trưởng tốt sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12,5%/năm.
Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng; đến cuối năm 2022, thủy sản chiếm 67,1%, nông nghiệp chiếm 28,0%, lâm nghiệp chiếm 4,9%. Đã hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, sinh thái, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn Thành phố.
Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin từng bước khẳng định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá cho phát triển Thành phố. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao; riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 6,7%. Hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông có bước phát triển mạnh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng Thành phố thông minh. Tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông giai đoạn 2021-2023 ước tăng 6,36%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước tăng 16,3%/năm. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố đã hình thành và từng bước phát triển với nhiều thành tố. Hiện, Thành phố đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng. Việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền bước đầu phát huy tính ưu việt, đảm bảo dân chủ và mang lại một số kết quả tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, tạo sự thuận lợi cho nhân dân. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh gắn với thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Đà Nẵng là đơn vị 12 năm liên tục (2009-2021) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Việt Nam ICT Index); năm 2020 và 2022, nhận danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; ba năm liên tiếp (2020-2022) đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; hai năm liên tiếp (2021-2022) xếp Nhất khối các tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 03 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh triển khai. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TP. Đà Nẵng đã thu hút được 72 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 56.888 tỷ đồng và 167 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 229,5 triệu USD.
Các chương trình an sinh xã hội được duy trì thực hiện; đời sống nhân dân được đảm bảo, nhất là quan tâm cho các gia đình chính sách, người có công, đối tượng yếu thế, người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và thiên tai. Các dự án, công trình trong lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, các thiết chế văn hóa và giải quyết các vấn đề dân sinh được quan tâm đầu tư với quy mô ngày càng lớn hướng đến sự phát triển bền vững của Thành phố. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn lại 1,39%/tổng số hộ dân cư; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế ước đạt 100%; có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 89,3%; 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 45,6%.
Nhìn chung, qua giữa nhiệm kỳ, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay 07/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã hoàn thành, tạo tiền đề quan trọng để Thành phố phấn đấu thực hiện vượt Nghị quyết trong thời gian tới./.
Trần Thị Lệ Trinh - Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP.Đà Nẵng