Bình Dương - Tập trung phát triển công nghiệp làm nền tảng đột phá để phát triển kinh tế

|

Bình Dương - Tập trung phát triển công nghiệp làm nền tảng đột phá để phát triển kinh tế

Các chủ trương chủ yếu phát triển ngành công nghiệp

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên khoảng 2695 km2. Xuất phát là một tỉnh thuần nông, song những năm qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành những chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tập trung mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Đến nay, Bình Dương đã và đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp.

Trong những năm gần đây, chủ trương đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp được thể hiện rõ trước hết trong Quyết định số 3281/QĐ-UBND ngày 18/12/2013 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, với quan điểm công nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn là công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp; trong đó, công nghiệp và dịch vụ có tỷ trọng tương đương nhau.

Bên cạnh đó, Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2016-2020 cũng xác định rõ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa và đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,7%/năm giai đoạn 2016-2020.

Với các chủ trương trên, theo đuổi phương châm “hạ tầng đi trước và đón đầu”, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm làm giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp, được cụ thể hóa bằng Chương trình số 23-CTr/TU ngày 16/8/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong những năm qua, Bình Dương đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng theo hướng đồng bộ liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như: Đoạn tuyến trùng với các đường vành đai như đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn tuyến đường Vành đai 3), cầu Thủ Biên, cầu Thới An, đường từ cầu Thới An đến ĐT748, đoạn qua Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore IIA (đây là các dự án thuộc các đoạn tuyến nằm trên đường Vành đai 4). Những công trình này, cùng với những công trình giao thông đối ngoại đã được đầu tư trước đó (Quốc lộ 13, ĐT741, ĐT743, ĐT747, ĐT744…) đã phát huy vai trò tích cực trong kết nối giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và góp phẩn đẩy mạnh sản xuất công nghiệp nói riêng.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng các trục giao thông đối nội; tăng cường sự liên kết giữa các khu vực trong tỉnh với trung tâm Thành phố mới, các trung tâm đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp như: Đường Nguyễn Chí Thanh, ĐT744, đường Phạm Ngọc Thạch, đường 7A, cầu Ông Cộ trên ĐT744, ĐT747B, ĐT746,… Tiếp tục đầu tư và sớm hoàn thành những tuyến đường quan trọng như: Đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; nâng cấp, mở rộng đường ĐT743 (đoạn Miếu Ông Cù - Sóng Thần); đường Thủ Biên - Đất Cuốc; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 và hoàn thành các giao lộ trên Quốc lộ 13; trục đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng (kéo dài đến đường Hồ Chí Minh thuộc huyện Bàu Bàng), đường và cầu Tây Ninh, cầu Bạch Đằng 2, nâng cấp mở rộng đường ĐT743 từ 6 đến 8 làn xe, tạo tiền đề hình thành tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...

Bình Dương đồng thời quy hoạch hạ tầng tuyến xe buýt BRT từ Bến xe miền Đông mới về trung tâm Thành phố mới Bình Dương, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị, từ Bến xe miền Đông mới về trung tâm Thành phố mới Bình Dương. Hệ thống giao thông đường thủy cũng được đẩy mạnh phát triển, điển hình là duyệt quy hoạch cảng sông khiến Bàu Bàng, kết nối vận chuyển hàng hóa đến cảng An Tây trên sông Sài Gòn và các sông khác, giúp giảm chi phí logistics, lưu thông dễ dàng hơn.

Cùng với tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, Bình Dương còn xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch. Đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN, chuyển đổi công năng các KCN phía Nam, di dời cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư.

Để ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững, đặc biệt trước làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư trong KCN đang gia tăng và sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, Bình Dương đang tập trung thực hiện lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu là thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, thể hiện ở việc ban hành và áp dụng nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển các dự án KCN theo hướng tập trung vào khoa học công nghệ (KHCN), nghiên cứu hình thành KCN - đô thị khoa học công nghệ, để thu hút tất cả doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động; đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, từ đó tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh đã hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA), các doanh nghiệp lớn để học hỏi mô hình từ các thành phố thành công trên thế giới như Singapore, Daejeon - Hàn Quốc, Eindhoven - Hà Lan. Đồng thời, các KCN trên địa bàn tỉnh kết nối với các trường học, doanh nghiệp để đẩy mạnh nghiên cứu, thực nghiệm KHCN và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài.

Nhằm góp phần tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phát triển, Bình Dương cũng đã xây dựng Trung tâm Hành chính công, áp dụng quy tắc “một cửa” để đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Theo thống  kê của Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Bình Dương, hiện có tổng số 1.928 TTHC (cấp tỉnh 1.549, cấp huyện 252, cấp xã 120). Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.598 TTHC (mức độ 3: 93; mức độ 4: 1.505). Tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 719 dịch vụ công.
 

Ngành công nghiệp - những kết quả đáng khích lệ

Với hàng loạt các chính sách trên, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương nói chung và ngành công nghiệp nói riêng đã đạt những kết quả đáng khích lệ.

Theo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là từ đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống người dân, song tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,04%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Năm 2020, cơ cấu các ngành công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong nền kinh tế tương ứng đạt 66,94% - 21,98% - 3,15% - 7,93%. GRDP bình quân đầu người đạt 151 triệu đồng. Giai đoạn 2016-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ổn định qua từng năm (ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19). Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2016 tăng 9,2%; năm 2017 tăng 9,8%; năm 2018 tăng 9,8%; năm 2019 tăng 9,9% và năm 2020 là 8,0%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trung bình 9,33%/năm.

Năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh Covid-19, song tình hình kinh tế xã hội của tỉnh vẫn đạt được một số kết quả khả quan, có nhiều điểm sáng tích cực. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương ngày 03/12/2021, công nghiệp vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tỷ trọng các ngành công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phầm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng là 67,91% - 21,31% - 3,1% - 7,67% (kế hoạch 65,1% - 23,73% - 3,17% - 8,0%). Trong năm 2021, sản xuất công nghiệp có nhiều biến động; hoạt động ổn định trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên từ quý III có chậm lại, tốc độ suy giảm rõ rệt so với 2 quý trước và so với cùng kỳ. Ước chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng 4,5% so với năm trước (năm 2020 tăng 8,02%, KH tăng 9,2%), trong đó ngành chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 2,8%, cung cấp nước tăng 1,3% và khai hoáng giảm 35,7%.
 

Biểu 1: Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016-2020

                                                                                                                       Đơn vị tính:%

                                                                                  Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Ngành công nghiệp phát triển theo chiều sâu gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực, giảm dần các ngành thâm dụng lao động, lắp ráp, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ.

Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tăng đáng kể. Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12 hàng năm của năm 2016 là 15,2 nghìn doanh nghiệp; năm 2017 là gần 17,9 nghìn doanh nghiệp; năm 2018 là 20,5 nghìn doanh nghiệp; năm 2019 gần 24,1 nghìn doanh nghiệp.

Về khu công nghiệp, theo báo cáo của Ban quản lý các KCN Bình Dương thì tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN thực hiện trên 19.122 tỷ đồng, so với tổng vốn đầu tư đã được phê duyệt đạt 50,3%. Có tất cả 19 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, bao gồm 01 công ty cổ phần có vốn Nhà nước, 02 công ty liên doanh, 11 công ty cổ phần, 04 công ty TNHH và 01 doanh nghiệp tư nhân. Trong năm 2021, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đạt gần 5,7 nghìn tỷ đồng; cho thuê lại đất với tổng diện tích 160ha, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,7 tỷ USD (chiếm 82% toàn tỉnh) và 3,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 2,1 tỷ đô la Mỹ, doanh thu đạt 35,1 tỷ USD, xuất khẩu đạt 20,9 tỷ USD.

Tính chung đến nay, toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp (trong đó 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động), diện tích 10.963 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 88,13% và 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 790ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,4%. Tổng Công ty Becamex IDC là doanh nghiệp chủ lực với 5 KCN lớn trên địa bàn là KCN Mỹ Phước 1,2,3, Thới Hòa, Bàu Bàng. Ngoài ra, Becamex còn liên doanh góp vốn với Sembcorp Industries (Singapore) thành lập Liên doanh KCN Việt Nam - Singapore (VSIP 1, 2,3)… Các KCN của Bình Dương đang hoạt động đều có hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, 27 KCN đang hoạt động cũng đã và đang xây dựng 31 nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 100%, với tổng công suất thiết kế 172.200 m3/ngày đêm, trong đó, các KCN Đồng An 1, Mỹ Phước, Mỹ Phước 3 xây dựng được nhiều nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Trong những năm qua, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp trong nước sản xuất; đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đến nay, sự phát triển của CNHT Bình Dương đã từng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT, gồm 442 doanh nghiệp dệt may, 172 doanh nghiệp da giày, 593 doanh nghiệp chế biến gỗ và 710 doanh nghiệp cơ khí... Trong đó, khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000ha, đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Điển hình như Dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ đô la Mỹ, trên diện tích 42ha của Tập đoàn KOLON (Hàn Quốc), cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ô tô. Ngoài ra, tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A, Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore) đã đầu tư xây dựng dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm… có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn DN sản xuất trong lĩnh vực CNHT trên địa bàn có quy mô nhỏ, nhu cầu sử dụng đất thấp, trong khi các KCN cho thuê đất với diện tích lớn, vượt quá khả năng của các DN.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp đã góp phần đưa Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (đến 15/11/2021) đã thu hút 2,069 tỷ USD (vượt 14,9% kế hoạch năm), gồm 64 dự án đầu tư mới (592 triệu USD) 24 dự án điều chỉnh tăng vốn (808 triệu USD), 161 dự án góp vốn (669 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 37 tỷ USD.

Định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian tới

Bình Dương xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, chủ lực, là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, do đó trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục có nhiều chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp.

Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2021 của UBND tỉnh Bình Dương đặt ra nhiệm vụ năm 2022 về phát triển công nghiệp: Khẩn trương phục hồi và phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng khá ngành công nghiệp, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại; có giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, duy trì và phục hồi đơn hàng cho năm 2022. Tái cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, khu công nghiệp VSIP III, Cây Trường... Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời, chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía Nam theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít lao động, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ.

Nghị quyết số 28/NĐ-HĐND ngày 14/9/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế ổn định; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương ổn định và phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, tạo nền tảng hướng đến mục tiêu năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu cụ thể cho ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2025 là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân trên 8,7%/năm.

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Nghị quyết 28/NĐ-HĐND đã đề ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ, trong  đó có giải pháp “Phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, ổn định tốc độ tăng trưởng và giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tái cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như thông tin và viễn thông, điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía Nam theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít lao động, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ; khuyến khích phát triển công nghiệp phía Bắc gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, gắn với phát triển các vùng nguyên liệu.” ./.
 
Mai Phương

Tài liệu tham khảo:

Quyết định số 3281/QĐ-UBND ngày 18/12/2013 của UBND tỉnh Bình dương về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025;

Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2016-2020;

Nghị quyết số 28/NĐ-HĐND, ngày 14/9/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2021, UBND tỉnh Bình Dương, ngày 03/12/2021; Niên giám Thống kê năm 2020, Cục Thống kê tỉnh Bình Dương.