Thái Bình là tỉnh đồng bằng có diện tích tự nhiên là 1584 km2, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện có gần 91,7 nghìn ha. Dân số trung bình năm 2020 là gần 1,9 triệu người, là một trong những tỉnh có mật độ dân số cao 1179 người/km2.
Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, đến thời điểm ngày 01/7/2020, toàn tỉnh có 7 huyện và 01 thành phố, bao gồm: 260 xã, phường, thị trấn (giảm 26 xã so với năm 2016 do sát nhập xã). Khu vực nông nghiệp, nông thôn gồm 241 xã với 1550 thôn (giảm 63 thôn so với năm 2016 do sát nhập thôn).
Thái Bình đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp
Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được tăng cường, đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo chuẩn quốc gia về nông thôn mới.
100% số xã, số thôn sử dụng điện lưới quốc gia vào sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. 100% số xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã được nhựa hoá, bê tông hoá, nâng cấp, mở rộng với chất lượng, tiêu chuẩn cao hơn năm 2016. Đối với hệ thống trường phổ thông, giáo dục mầm non 100% số phòng học đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Trung học phổ thông là 95,24%, trung học cơ sở 95,10%, tiểu học 95,80%, trường mầm non/mẫu giáo 94,34%. Có 238 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, chiếm 98,75% tổng số xã, tăng 3,25 điểm phần trăm so với năm 2016; có 97,42% số thôn có nhân viên y tế thôn, toàn tỉnh có 33,19% số xã có cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tăng 14,47 điểm phần trăm so với năm 2016; có 98,34% số xã có cơ sở kinh doanh thuốc tân dược tư nhân. Hệ thống thông tin, văn hoá, thể thao: 100% số xã trụ sở UBND xã có máy tính nối mạng intenet; có 225 xã có điểm bưu điện văn hóa chiếm 93,36% tổng số xã; 239 xã có nhà văn hóa, chiếm 99,17%; 237 xã có sân thể thao xã, chiếm 98,34%; có 99,03% số thôn có nhà văn hoá; 90,97% số thôn có khu thể thao; 100% số xã và số thôn có hệ thống loa truyền thanh đến thôn. Hệ thống chợ có 193 xã, chiếm 80,02% tổng số xã, trong đó có 187 xã có chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, chiếm 77,59%. Hệ thống tín dụng có 152 xã có quỹ tín dụng nhân dân hoặc ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, chiếm 63,07% tổng số xã; số hộ được vay vốn ưu đãi theo các chương trình, dự án là 72.149 hộ với tổng số vốn vay bình quân một hộ là 28,93 triệu đồng, tăng 16,61% so với năm 2016. Hệ thống cung cấp nước sạch và bảo vệ môi trường: Có 60 xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, gần 100% số hộ sử dụng nước máy; vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện, 198 xã có xây hệ thống thoát nước thải chung, 1248 thôn có hệ thống nước thải chung, có 241 xã có tổ chức thu gom, thuê thu gom rác thải sinh hoạt, chiếm 100% tổng số xã.
Cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao dần tỷ trọng của khu vực phi nông nghiệp
Tỷ lệ hộ nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ở khu vực nông thôn của toàn tỉnh từ 40,55% năm 2016, giảm xuống còn 34,46% năm 2020, giảm 6,09 điểm phần trăm so với năm 2016; tỷ lệ hộ công nghiệp, xây dựng từ 28,7% năm 2016 tăng lên 36,9% năm 2020, tăng 8,2 điểm phần trăm; tỷ lệ hộ dịch vụ (thương mại, vận tải, dịch vụ khác) là 14,56%.
Điều tra viên tác nghiệp tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
Tỷ lệ về nguồn thu nhập lớn nhất của hộ từ hoạt động nông, lâm, thủy sản là 34,47%, thu nhập của hộ từ công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nguồn khác chiếm 65,53% cho thấy thu nhập từ hoạt động kinh tế phi nông, lâm nghiệp, thuỷ sản dần trở thành ngành sản xuất tạo nên thu nhập chính của hộ.
Thành tựu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh thời gian qua chính là sự đồng thuận cao của nhân dân, huy động được nguồn lực lớn đầu tư phát triển nông thôn, góp phần giúp cho diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 100% số xã được tỉnh ra quyết định công nhận xã về đích nông thôn mới. Thái Bình là một trong những tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới sớm nhất cả nước.
Đời sống dân cư nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu năm 2020 đạt 4.242 nghìn đồng/tháng, bằng 75,5% mức thu nhập bình quân của khu vực thành thị; Số hộ chính sách được xây dựng và sửa chữa nhà là 3930 hộ, số hộ được vay vốn ưu đãi theo các chương trình, dự án là 72.149 hộ. số người được tham gia các lớp tập huần, dạy nghề là 181.214 người.
Bộ máy và điều kiện làm việc của lãnh đạo xã, thôn đã được kiện toàn và tăng cường. Tổng số cán bộ chủ chốt của 241 xã gồm các chức danh Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch là 965 người, trong đó có 24 cán bộ nữ, chiếm 2,55%; số cán bộ chủ chốt ở độ tuổi 50 đến 60 tuổi chiếm tỷ lệ 51,4%; số cán bộ chủ chốt ở độ tuổi từ 40 đến dưới 50 tuổi chiếm tỷ lệ 43,1%; số cán bộ có độ tuổi từ 30 tuổi đến dưới 40 chiếm 5,5%. Qua tỷ lệ số cán bộ chủ chốt của xã theo nhóm tuổi cho thấy, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đã được trẻ hóa về độ tuổi với nhiều cán bộ chủ chốt ở độ tuổi từ 30 đến dưới 40 tuổi.
Trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã của Thái Bình tiếp tục được tăng cường, có 99,6% số cán bộ chủ chốt xã đạt trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông; tỷ lệ đạt trình độ đại học trở lên chiếm 64,14% (tỷ lệ này năm 2016 là 38,7%); đạt trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm 35,86% (năm 2016 là 57,7%). Tỷ lệ cán bộ chủ chốt xã có trình độ trung cấp, cao cấp chính trị chiếm 97,5%. Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, điều kiện làm việc của lãnh đạo xã cũng không ngừng được cải thiện. Năm 2020, có 95,85% số trụ sở làm việc của UBND xã được xây dựng kiên cố, tăng 9,8 điểm phần trăm so với năm 2016.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn như:
Công tác bảo vệ môi trường tại một số nơi chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, tỷ lệ hộ dân phân loại, xử lý rác tại nguồn còn thấp.
Các tuyến đường giao thông qua khu dân cư còn thiếu hệ thống rãnh thoát nước tập trung; cơ sở hạ tầng nông thôn mới một số nơi đã xuống cấp, chưa được duy tu, bảo trì thường xuyên. Mức độ kiên cố hóa kênh mương thủy lợi còn thấp.
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa mạnh, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản chưa cao; sản xuất phần lớn còn manh mún, nhỏ lẻ, bị cắt đoạn thiếu tính liên kết từ sản xuất đến phân phối.
Số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản khu vực nông thôn chiếm 41,5% cho thấy sự chuyển dịch kinh tế ở khu vực nông thôn còn chậm. Nguồn thu nhập lớn nhất của hộ từ hoạt động nông, lâm, thủy sản còn chiếm tỉ trọng lớn và cao hơn 6,43 điểm phần trăm so với khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Hiệu quả, hình thức tổ chức các Hợp tác xã nông nghiệp chưa rõ nét, tính hỗ trợ, hướng dẫn, dịch vụ kết nối, tiêu thụ sản phẩm chậm được nâng cao.
Nhìn chung, kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Thái Bình có nhiều điểm sáng, nhiều thành tựu nổi bật: Kết cấu hạ tầng nông thôn được bổ sung, hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao dần tỷ trọng các ngành phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh để duy trì và phát triển sản xuất ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư ở khu vực nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn tăng nhanh, từ 29,5 triệu đồng/người năm 2016 lên 49 triệu đồng/người năm 2020; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 5% năm 2016 xuống còn 3,2% năm 2020; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, khám chữa bệnh và thụ hưởng văn hóa, tiếp cận thông tin ngày càng tăng nhanh; các hộ nông thôn còn có tích lũy, nâng cấp, xây mới nhà ở và mua sắm thêm phương tiện đi lại, đồ dùng lâu bền, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vệ sinh môi trường được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm, bảo vệ./.
Tăng Bá Phúc
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Bình