Tại báo cáo này, Moody’s đã xếp hạng tín nhiệm cho 15 ngân hàng Việt Nam (Các ngân hàng này chiếm gần 58% tổng tài sản của toàn hệ thống tính đến 30-6-2017); trong đó có ba ngân hàng thương mại nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần thuộc sở hữu tư nhân. Bản báo cáo tháng 10/2017 này đã cho thấy triển vọng của Moody về mức độ tín nhiệm của hệ thống ngân hàng trong 12-18 tháng tiếp theo dựa trên 5 yếu tố sau: Môi trường hoạt động (ổn định); tài chính và thanh khoản (đang thiếu hụt nhẹ); chất lượng tài sản và vốn (ổn định), khả năng sinh lợi và hiệu quả hoạt động (ổn định); và hỗ trợ hệ thống (ở mức tích cực). Cụ thể, báo cáo này của Moody’s đã nâng hạng cho bốn yếu tố lên tích cực hơn.
Việc Moody’s tiếp tục nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một tín hiệu tích cực phản ánh hiệu quả của việc Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đặc biệt là việc quyết liệt triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giữ vững an toàn hệ thống và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Trước đó, vào tháng 12/2014, Moody’s đã nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định” (mức độ “tiêu cực” cho hệ thống ngân hàng Việt Nam được Moody’s đánh giá tại báo cáo vào tháng 9/2011), phản ánh tính ổn định trong môi trường hoạt động của các ngân hàng, cũng như trong tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam được tăng lên, đồng thời rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng lại giảm.