Thái Nguyên: Thúc đẩy khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

|

Thái Nguyên: Thúc đẩy khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

Tăng cường đầu tư nguồn lực, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, tỉnh Thái Nguyên luôn tập trung nguồn lực, thúc đẩy phát triển và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu KH&CN, tạo động lực và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Một số kết quả tiêu biểu đạt được về KH&CN

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhờ đó đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay, Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho Bộ KH&CN, UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện 61 nhiệm vụ KH&CN các cấp. Các nhiệm vụ được thực hiện thông qua các đề tài, dự án thuộc 06 lĩnh vực KH&CN bao gồm: Khoa học Nông nghiệp, Khoa học Tự nhiên, Khoa học kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Y dược, Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn.

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên
trao đổi thông tin với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện

Đặc biệt, việc ứng dụng thành tựu KH&CN để thực hiện thành công các nghiên cứu ứng dụng đối với các loại giống cây trồng, vật nuôi mới trong nông nghiệp đã tạo ra được các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, thu hút người lao động, tác động của khoa học và công nghệ góp phần chuyển dịch cơ cấu nông lâm nghiệp. Điển hình như: Phát triển trồng cây dược liệu Cát sâm trên đất đồi kém hiệu quả; xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ cá Lóc đầu nhím; phát triển mô hình trồng cây dược liệu sâm Bố chính trên đất vườn rừng; ứng dụng công nghệ nuôi cá tầm Xibêri khai thác trứng thương phẩm, gây trồng một số loài lan rừng có giá trị kinh tế cao và lưu giữ, chăm sóc các loài lan rừng đã thu thập…

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục được triển khai có hiệu quả, từ khâu xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đến khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của Tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2020-2022, toàn tỉnh có 738 đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp (26 sáng chế  và giải pháp hữu ích; 12 kiểu dáng công nghiệp; 700 nhãn hiệu) và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 402 văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp (11 sáng chế & giải pháp hữu ích; 03 kiểu dáng công nghiệp; 388 nhãn hiệu). Hỗ trợ các địa phương tiến hành xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 05 sản phẩm, trong đó có 04 nhãn hiệu tập thể (Chè Đại Từ, Nhãn Phúc Thuận, Bưởi Tân Quang - Sông Công, Tương Úc Kỳ), 03 nhãn hiệu chứng nhận (Chè Phú Lương, Chè Võ Nhai, Gạo nếp vải Phú Lương).


 Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên Phạm Quốc Chính,  phát biểu tại buổi làm việc 
với Đại học Thái Nguyên về 
tăng cường công tác hợp tác nghiên cứu, chuyển giao KHCN
và đổi mới sáng tạo giữa tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên

Xây dựng và đưa vào vận hành Trạm khai thác Thông tin và sử dụng dịch vụ Sở hữu công nghiệp (IP Platform) nhằm phục vụ các hoạt động thúc đẩy khai thác, sử dụng nguồn tin khoa học và công nghệ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản xuất kinh doanh, làm đầu mối thực hiện cơ sở dữ liệu công nghệ gắn chuyển đổi số, đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu chung của tỉnh và cơ sở dữ liệu của Trung ương.


Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
đã ký Biên bản và bàn giao kết quả nghiên cứu khoa học.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN

Để KH&CN ngày càng trở thành động lực, đóng góp tích cực hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên đã xây dựng và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN của Tỉnh đến năm 2030, cụ thể như sau:

Một là, đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách trong quản lý hoạt động KH&CN, trong đó tập trung vào tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong hoạt động KH&CN của Tỉnh từ công tác quản lý khoa học, quản lý công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ...theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Có cơ chế  thu hút, động viên, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội cho hoạt động KH&CN.

Hai là, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh như: Hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; an toàn bức xạ hạt nhân; thông tin thống kê cơ sở dữ liệu…

Ba là, tăng cường các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường.


Kiểm tra mô hình sử dụng phân bón hữu cơ nano và chế phẩm sinh học trong sản xuất chè an toàn

Bốn là, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm thúc đẩy sự phát triển KH&CN của Tỉnh.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Tỉnh; Triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, kế hoạch của HĐND và UBND tỉnh Thái Nguyên; Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và đam mê của học sinh, sinh viên và tuổi trẻ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sáu là, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn Tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN, hình thành cơ chế thông thoáng cho sự phát triển các yếu tố hạ tầng của thị trường công nghệ ở tất cả các khâu.

Bảy là, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách phát triển nhân lực KH&CN đã ban hành, chỉnh sửa để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ trong triển khai thực hiện. Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giỏi, nhà khoa học đầu ngành.

Hội nghị đối thoại với cộng đồng Doanh nghiệp năm 2023 về "Sở hữu trí tuệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng"

Tám là, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực KH&CN. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Thái Nguyên với Đại học Thái Nguyên và các trường Đại học thành viên, đặc biệt là trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trường Đại học Y dược Thái Nguyên; Mở rộng quan hệ hợp tác phát triển khoa học công nghệ ở trong và ngoài nước; Tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và Trung ương trong các lĩnh vực đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ; Tiếp tục thực hiện hợp tác về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các tổ chức KH&CN Trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN có giá trị thực tiễn cao.

                                                                                                    Trọng Nghĩa