Hiệu quả từ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình

|

Hiệu quả từ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi với 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái, là điều kiện thuận lợi tạo ra thế mạnh của ngành nông nghiệp với cơ cấu sản xuất và và sản phẩm đa dạng so với các vùng dân cư nông nghiệp khác. Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, Ninh Bình đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2022-2025, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện trong buổi làm việc với Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, địa hình rất đa dạng, thấp dần từ vùng đồi núi phía Tây sang vùng đồng bằng xen kẽ núi đá vôi, đến vùng đồng bằng phì nhiêu và bãi bồi ven biển. Từ đó đã hình thành nên 05 tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp, đó là: Tiểu vùng núi bán sơn địa, tiểu vùng trũng, tiểu vùng ven đô thị, tiểu vùng đồng bằng, tiểu vùng ven biển. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh 1.386,7 km2, trong đó, đất nông nghiệp 96,6 nghìn ha; đất lâm nghiệp 29,7 nghìn ha rừng; đất nuôi trồng thủy sản 6,79 nghìn ha; dân số 982,4 nghìn người; dân số khu vực nông thôn 776,1 nghìn người, chiếm 79% dân số toàn tỉnh.

Để thực hiện chiến lược cơ cấu nông nghiệp phù hợp, Ninh Bình đã phân tích, chia tách thành 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái. Trên cơ sở mỗi tiểu vùng có sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản định hướng tập trung đầu tư, phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ phục vụ du lịch.
 

Khuyến nông Ninh Bình đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và trình diễn mạ khay, cấy máy.
 
Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi giá trị, ngay từ năm 2016 Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐNĐ ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó đều có chính sách, điều kiện liên quan đến liên kết tiêu thụ sản phẩm, như các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có liên kết gắn sản xuất như: Hỗ trợ sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ; Sản xuất rau, củ quả; cây ăn quả theo hướng hữu cơ hoặc ứng dụng công nghệ cao; Hỗ trợ sản xuất trâu, bò, dê, hươu; Hỗ trợ nuôi tôm công nghệ cao, vụ đông. Hỗ trợ vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp…
 

Đại diện Công ty Dược liệu Vũ Gia  giới thiệu tổng quan; công tác bảo tồn, việc nghiên cứu phát triển sản phẩm
và xây dựng chuỗi giá trị Trà hoa vàng Cúc Phương.

 
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự vào cuộc đầu tư của các thành phần kinh tế và sự đồng lòng quyết tâm của các tầng lớp nhân dân, nông nghiệp nông thôn Ninh Bình đã có bước phát triển khá toàn diện; tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đã bước đầu được hình thành và dần thay thế tư duy sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chuyển từ chú trọng phát triển số lượng sang chú trọng nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; sản xuất theo hướng hàng hoá, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, từng bước đổi mới hình thức sản xuất theo hướng tiên tiến và bền vững. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ; phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản phù hợp với từng tiểu vùng kinh tế sinh thái. Hệ thống hạ tầng nông nghiệp nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được thực hiện bài bản đồng bộ, nhiều cách làm hay, sáng tạo, được cả hệ thống chính trị vào cuộc.


Mô hình trồng sen Nhật kết hợp thả cá và làm du lịch ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư
đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thái Bá.

 
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, ngành Nông nghiệp Ninh Bình duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng đạt 2,6%/năm; cao hơn so với mục tiêu giai đoạn là 1,7%/năm. Giá trị 1ha canh tác tăng nhanh hơn so với mục tiêu, tăng 8 triệu/năm, so với mục tiêu 5 triệu/năm. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng cơ cấu trồng trọt giảm, dịch vụ, thủy sản tăng, cụ thể: trồng trọt năm 2020 chiếm 51,2% đến nay giảm 49,9%, Dịch vụ nông nghiệp từ 4,1% tăng lên 5,25%, Thủy sản 20,6% lên 21,6%. Qua nhiều năm thực hiện các chính sách, hiện nay chuỗi giá trị liên kết 4 nhà ở Ninh Bình đang phát triển khá ổn định, điển hình như các chuỗi giá trị lúa gạo (40 nghìn tấn), lợn (4,2 nghìn tấn), gia cầm 1,2 nghìn tấn; trứng 17 triệu quả…
 
Về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Năm 2022, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 7/8 huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Ngày 18/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định công nhận huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, đây là huyện cuối cùng của tỉnh Ninh Bình được công nhận hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới; có 119/119 (100%) xã đạt chuẩn NTM; 30/119 (25,2%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14/119 (11,7%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong xây dựng NTM Ninh Bình là khởi nguồn của việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM mà Trung ương đã triển khai rộng rãi trong cả nước.
 

Xã nông thôn mới kiểu mẫu Gia Vân (huyện Gia Viễn) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Trường Giang

Thời gian tới, Ninh Bình tập trung nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2022-2025; đảm bảo thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về sản lượng, tăng trưởng ngành, giá trị sản xuất/ha canh tác... Để hiện thực hóa nhiệm vụ đó, Ninh Bình đã triển khai Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025. Đề án đưa ra mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,7%/năm. Trong đó: Trồng trọt: 0,3%/năm; Chăn nuôi: 1,5%/năm; Thủy sản: 4,7%/năm; Lâm nghiệp: 0,3%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 160 triệu đồng/ha canh tác; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt trên 15% trong tổng sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
 

Đồng chí Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình
trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể.

 
Để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp Ninh Bình xác định các nhóm nhiệm vụ, gồm: (1) Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm chủ lực theo tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp. (2) Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản. (3) Thử nghiệm giống cây trồng, vật nuôi mới, vật tư sản xuất, công nghệ mới vào sản xuất. (4) Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất. (5) Tăng cường hoạt động liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản. (6) Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. (7) Tăng cường dịch vụ và quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.
 

Ngành Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
 
Các nhóm giải pháp chủ yếu được đặt ra nhằm thực hiện Đề án gồm có: Quy hoạch, kế hoạch và thực hiện các mô hình, dự án trọng điểm; Tăng cường ứng dụng nhanh khoa học công nghệ, công nghệ cao vào phát triển kinh tế nông nghiệp; Tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng; song song với đó là các nhóm giải pháp về đất đai, đầu tư, cơ chế chính sách. Việc thực hiện thành công Đề án được kỳ vọng sẽ nâng tầm vị thế ngành Nông nghiệp, góp phần triển khai thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025./.

                                   Văn Nghĩa