Vượt qua năm 2022 nhiều sóng gió bằng những kết quả tăng trưởng ấn tượng, Hà Nam có thêm sự tự tin và quyết tâm để đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược cùng các nhiệm vụ/giải pháp trọng tâm. Thông qua đó, khơi thông các nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo đà để Hà Nam phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong các năm tiếp theo với tầm nhìn trở thành đô thị thông minh, thành phố hiện đại và trung tâm công nghệ cao của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước vào năm 2050.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hà Nam - Nguyễn Văn Lượng
Những kết quả ấn tượng
Năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức với các yếu tố bất lợi cho sản xuất kinh doanh như: Giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào biến động lớn, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức ép lạm phát tăng cao… nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Hà Nam cơ bản ổn định và có bước phát triển tốt. Nổi bật, GRDP đạt 46.065 tỷ đồng, tăng 10,82% so với cùng kỳ năm 2021 (đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 12 toàn quốc). Thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt gần 16.000 tỷ đồng, trong đó, thu cân đối ngân sách đạt 13.860 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, bảo đảm tự cân đối thu, chi ngân sách.
Hà Nam cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,5% so với cùng kỳ. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng. Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2022, tỉnh đã thu hút được 62 dự án đầu tư, bằng 126,5% so với cùng kỳ. Hà Nam tích cực đôn đốc hoàn thiện thủ tục, thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 10,4 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,57 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 4,83 tỷ USD, tăng 21,0% so với cùng kỳ.
Hoạt động du lịch đã hoàn toàn mở cửa. Tổng lượt khách du lịch cả năm đạt trên 3,15 triệu lượt khách, tăng 23,0% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 2.152,5 tỷ đồng, tăng 31,0% so với cùng kỳ. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; năm 2022, dự kiến có thêm từ 06 - 08 xã hoàn thành, đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Khu du lịch Tam Chúc trở thành điểm sáng về du lịch của Hà Nam
với khả năng thu hút từ 5 đến 10 triệu du khách du lịch mỗi năm
Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức nổi, đa dạng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Tỉnh tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao của tỉnh, trong nước và quốc tế.
Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, giáo dục mũi nhọn đạt thành tích cao. Kỳ thi quốc gia THPT năm 2022, Hà Nam đứng thứ 7 toàn quốc về điểm bình quân, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,17%. Công tác đào tạo nghề, gắn với nhu cầu sử dụng và tuyển dụng lao động của doanh nghiệp được quan tâm. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chăm lo. An sinh xã hội đảm bảo, đời sống của nhân dân được cải thiện. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,69%, giảm 1,0% so với đầu năm; Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Lấy doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế
Hà Nam hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng trở lại sản xuất. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, KCN Đồng Văn I. Ảnh: Nguyễn Oanh
Những năm qua, doanh nghiệp chính là động lực giúp Hà Nam phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh hiệu quả, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm cải thiện, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng.
Trong đó, Tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư trên cơ sở kế thừa và có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Hà Nam đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên, định kỳ tổ chức hội nghị làm việc, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư; rà soát và kiến nghị Chính phủ, các cấp có thẩm quyền tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các quy định liên quan đến việc huy động và sử dụng nguồn lực nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông suốt.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tăng cường trao đổi phối hợp với các ngành, cơ quan trung ương để xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra hàng năm, hạn chế triệt để tình trạng chồng chéo, chấp hành nghiêm yêu cầu thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần trong năm đối với doanh nghiệp theo đúng Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Hà Nam đang triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công, phát huy tốt, hiệu quả Trung tâm hành chính công của tỉnh, đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua hình thức hồ sơ điện tử (online), dịch vụ bưu chính công ích...
Tranh thủ các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Xác định hạ tầng giao thông đi trước, mở đường cho sự phát triển kinh tế, giao thương và thu hút, Hà Nam tranh thủ sự quan tâm của Trung ương, đồng thời huy động tổng hợp các nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đảm bảo đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường bộ, đường thuỷ nội địa, cảng. Trong năm qua, thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, tỉnh Hà Nam đã đề xuất 04 dự án đưa vào Chương trình với tổng vốn đầu tư khoảng 5.139,4 tỷ đồng. Trong đó có các dự án giao thông quan trọng như đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với đường QL 21A, QL 21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần (tỉnh Nam Định). Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm khác như Dự án xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ vành đai 4 - vành đai 5 qua quốc lộ 38 đến đường quốc lộ 21; Dự án tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21, địa phận huyện Kim Bảng (đoạn từ đường ĐH.05 huyện Kim Bảng đến nút giao đường T3 với QL21)… cũng đang trong quá trình triển khai, khi hoàn thành sẽ mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các ngành kinh tế quan trọng của địa phương như logistics, thương mại dịch vụ, du lịch.
3 đột phá và 07 nhiệm vụ trọng tâm
Trong giai đoạn tiếp theo, Hà Nam sẽ phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, phát triển khá của Vùng đồng bằng Bắc bộ; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035. Theo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam sẽ trở thành đô thị thông minh, phát triển hiện đại, trung tâm công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, trung tâm mua sắm lớn của Vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2050.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động là giải pháp quan trọng
giúp Hà Nam ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư
Theo định hướng này, Hà Nam sẽ tổ chức không gian kinh tế theo 03 vùng gồm: Vùng đô thị trung tâm - dịch vụ chất lượng cao - công nghiệp công nghệ cao - đào tạo nguồn nhân lực (toàn bộ TP. Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và một phần huyện Thanh Liêm); Vùng đô thị - sinh thái - công nghiệp (phía Tây sông Đáy, phần lớn thuộc địa bàn huyện Kim Bảng và khu vực phía Tây sông Đáy của huyện Thanh Liêm). Vùng cảnh quan nông nghiệp - công nghệ cao (các huyện Lý Nhân, Bình Lục và khu vực phía Đông huyện Thanh Liêm).
Để thực hiện thành công các mục tiêu và phát triển các ngành quan trọng trong quy hoạch, Hà Nam đã đề ra 3 đột phá phát triển: Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại và hạ tầng số. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số. Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển và phát huy giá trị văn hoá để phát triển tỉnh Hà Nam.
Các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sự sáng tạo trong tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách kết hợp với cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để tăng năng suất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; Mở rộng quỹ đất, thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Đẩy mạnh phát triển các đô thị và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn; Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường; Chủ động tích cực hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Tỉnh đang xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp; ưu tiên các nguồn lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; công nghệ cao; đô thị; dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Cùng với nỗ lực của tỉnh, Hà Nam mong muốn các nhà đầu tư tích cực khảo sát, nghiên cứu, hợp tác nhằm khai thác tối đa mọi nguồn lực đưa doanh nghiệp và Hà Nam phát triển mạnh mẽ./.
Nguyễn Văn Lượng
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hà Nam