Những chuyển biến tích cực của ngành Y tế Bắc Kạn

|

Những chuyển biến tích cực của ngành Y tế Bắc Kạn

Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực triển khai các giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân, từng bước phát triển nhanh hệ thống y tế theo hướng hiện đại.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, thuộc vùng Đông Bắc Bộ, có địa hình tự nhiên không thuận lợi, giao thông đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 86%, nền kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của cả nước. Những năm qua, ngành Y tế Bắc Kạn đã tập trung các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) ở tất cả các tuyến để giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân khi phải thăm khám và điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

 
Phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn
 
Theo đó, Ngành chú trọng vào việc đầu tư mua sắm và khai thác tối đa trang thiết bị hiện có; đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ y, bác sĩ, nhất là những chuyên khoa sâu; thực hiện đề án 1816 mời các chuyên gia bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tăng cường thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa; đặc biệt thực hiện Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ Y tế về việc Ban hành Bộ Tiêu chí chất lượng Bệnh viện Việt Nam, hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, khảo sát sự hài lòng của người bệnh.
 

Bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao “kỹ thuật thắt trĩ bằng vòng cao su”
cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn

 
Nhờ đó, đến nay năng lực KCB và chất lượng các dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến của tỉnh Bắc Kạn đã được nâng lên đáng kể. Tại  Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện được 71% danh mục kỹ thuật phân tuyến chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế và triển khai tốt các kỹ thuật chuyên sâu như: Phẫu thuật nội soi trong ngoại khoa (PT nội soi cắt ruột thừa; cắt túi mật; cắt u xơ tiền liệt tuyến; nội soi tán sỏi tiết niệu bằng laser); Nội soi đường tiêu hóa có gây mê; nội soi cắt polip đại tràng; nội soi tiêm xơ cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa; Siêu âm tim; Liệu pháp surfactant trong điều trị suy hô hấp sơ sinh; hồi sức cấp cứu chống độc, lọc thận nhân tạo; Nội soi tán sỏi bàng quang; Phẫu thuật chấn thương sọ não kín; Phẫu thuật thay khớp háng bán phần; Tán sỏi tiết niệu bằng laser; Phẫu thuật cố định cột sống thắt lưng bằng nẹp vít; Quản lý và điều trị viêm gan virut B; Xét nghiệm HBV đo tải lượng Real - Time PCR; Nghiệm pháp dung nạp đường huyết đặc biệt bệnh viện đã thực hiện được dịch dụ kỹ thuật tách các thành phần trong máu...

Bênh cạnh đó, thực hiện kế hoạch hoạt động của Đề án bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã chủ động cử cán bộ y tế tham dự các lớp đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện hạt nhân như: Cấp cứu tim mạch (bác sĩ, điều dưỡng); Holter điện tâm đồ; siêu âm tim cơ bản; hóa trị ung thư thực quản; chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư góp phần chăm sóc người bệnh ngay tại tuyến tỉnh, hạn chế chuyển tuyến trên. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Tim Hà Nội nên thường xuyên được các đơn vị này hỗ trợ về chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật.

 
 Kíp chuyển giao của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn trực tiếp hướng dẫn các Y, Bác sĩ TTYT Bạch Thông 
thực hiện kĩ thuật nội soi Thực quản – Dạ dày – Tá tràng

 
Tại trung tâm Y tế tuyến huyện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới trong lâm sàng như: Phẫu thuật cắt bỏ các loại u bao hoạt dịch, u phần mềm phức tạp; Phẫu thuật khâu nối gân gấp, gân duỗi các loại; Phẫu thuật cắt tử cung bán phần; Chiếu đèn hồng ngoại; mổ  kết hợp gẫy xương đùi bằng nẹp vít, mổ  cấp cứu cắt lách; Nhổ răng khó; Nội soi gắp dị vật thực quản bằng ống cứng. Đặc biệt, kỹ thuật lưu dự trữ, bảo quản máu và truyền máu trở thành một kỹ thuật thường quy tại một số đơn vị trong tỉnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cấp cứu các ca bệnh nặng, hạn chế người bệnh chuyển tuyến trên.

Cùng với phát triển về chuyên môn, kỹ thuật, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB của ngành Y tế Bắc Kạn đã đạt được những kết quả tích cực. Ngành đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB, phát triển nền tảng hỗ trợ KCB từ xa, góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các phần mềm chuyên ngành cơ bản như: Phần mềm quản lý KCB, phần mềm y tế cơ sở, phần mềm tiêm chủng quốc gia, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử… đã và đang được Ngành triển khai sâu rộng và hiệu quả. Ở cấp cơ sở, phần mềm y tế cơ sở được triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh. Phần mềm quản lý bệnh viện được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Các đơn vị từ tuyến tỉnh, huyện đến cơ sở đã tập trung xây dựng, cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu chung của các phần mềm, qua đó giúp công tác quản lý toàn Ngành được thuận tiện hơn.

 

Hội nghị Chuyển đổi số trong ngành Y tế - Cơ hội và thách thức
 
Cùng với đó, 100% đơn vị từ tuyến đỉnh đến tuyến xã đã cập nhật thành công dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin Giám định Bảo hiểm y tế (BHYT) và thực hiện giám định BHYT theo quy định. Có 100% đơn vị đã thực hiện kết xuất dữ liệu, giám định điện tử với BHYT; 100% đơn vị đã tiến hành thanh toán bảo hiểm qua hệ thống phần mềm. Đến nay, hệ thống danh mục dùng chung đã được các đơn vị xây dựng, cập nhật và khai thác hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thống kê, báo cáo và quản lý khám chữa bệnh, cung cấp thông tin đầy đủ và rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình KCB.

Có thể nói, mặc dù ngành Y tế Bắc Kạn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành vẫn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, được nhân dân nhiệt liệt ủng hộ. Cũng từ đây, toàn ngành Y tế Bắc Kạn đã có những bước chuyển mình lớn trong tổ chức chỉ đạo thực hiện các hoạt động chuyên môn, từng bước đáp ứng sự hài lòng của người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Thành Nam