Ngành Tài chính Phú Thọ góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội

|

Ngành Tài chính Phú Thọ góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội

Những năm qua, ngành Tài chính tỉnh Phú Thọ đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND có những cơ chế chính sách  phù hợp trong các lĩnh vực ngành quản lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Năm 2021 mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong và ngoài nước, song ngành Tài chính Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao. Sở Tài chính tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu về thu - chi ngân sách trên địa bàn, hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đó là việc thực hiện công khai tài chính theo Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN); phân bổ dự toán chi ngân sách ngay từ đầu năm cho các đơn vị thụ hưởng và các cấp ngân sách để các đơn vị chủ động trong việc điều hành ngân sách cấp mình. Xác định quản lý về cơ chế, chính sách là hết sức quan trọng, do vậy ngành Tài chính đã tham mưu cho tỉnh các cơ chế chính sách  tài chính linh hoạt phù hợp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội. Nhiều cơ chế chính sách đã tạo đà cho phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế trang trại, kinh tế làng nghề và kinh tế hộ gia đình, khuyến khích xuất khẩu những sản phẩm địa phương. Phát huy tối đa các nguồn nội lực và ngoại lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội tập trung vốn đầu tư từ NSNN, kết hợp với nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài.

 


Đồng chí Nguyễn Quang Anh, TUV, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Phú Thọ
tặng hoa chức mừng Đại hội Đảng bộ Sở Tài chính nhiệm kỳ 2020 - 2025

 
Năm 2021, kinh tế của tỉnh Phú Thọ đạt tốc độ tăng trưởng 6,09% bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid - 19. Tổng thu NSNN đạt trên 7506,7 tỷ đồng, bằng 126,7% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4.589.000 triệu đồng/dự toán 5.651.000 triệu đồng, đạt 81% dự toán HĐND tỉnh giao, và bằng 138% so với cùng kỳ.  Có 11/14 chỉ tiêu thu NSNN ước thực hiện 6 tháng đạt bằng hoặc vượt 50% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó một số khoản thu ước đạt cao như: Thu tiền sử dụng đất đã vượt dự toán (đạt 215%); Thuế TNCN 91%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 83%; Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 66%...

Để có được kết quả đó, trong công tác thu ngân sách, Sở Tài chính Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ với Kho bạc, Cục Thuế, Chi cục Hải quan tỉnh đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đưa ra nhiều biện pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách. Phối hợp với các cơ quan thu, các ngành, các cấp tổ chức thu đúng, thu đủ kịp thời ngân sách, đánh giá, phân tích, dự báo và theo dõi tiến độ cụ thể từng khu vực thu, từng sắc thuế, những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu…; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nộp hồ sơ khai thuế, báo cáo quyết toán thuế; Tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế…

Cùng với đó, ngành Tài chính Phú Thọ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian, chi phí cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Sở Tài chính tỉnh luôn chú trọng hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở theo quy định; đồng thời đẩy mạnh việc tiếp nhận xử lý hồ sơ qua công dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. Ngoài ra, Sở tập trung kiện toàn bộ máy và đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực tham mưu cho chính quyền các cấp điều hành ngân sách và các nhiệm vụ tài chính khác, thực hiện quy hoạch và luân chuyển cán bộ theo yêu cầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện và điều hành công việc; Tăng cuờng phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành theo hướng tài chính là phục vụ, trợ giúp, hạn chế thấp nhất các mệnh lệnh hành chính đơn thuần, không nhũng nhiễu ảnh hưởng tới các ngành kinh tế.

Song song với đó, công tác quản lý điều hành về cấp phát ngân sách đã được đổi mới, dự toán NSNN đã được giao kịp thời, dân chủ, công khai minh bạch; thủ tục cấp phát NSNN đã được cải cách, kho bạc trực tiếp thanh toán cho đơn vị sử dụng NSNN theo dự toán được duyệt. Đặc biệt Phú Thọ đã đưa 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh hoạt động thu, chi qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đúng theo Luật Ngân sách. Đây là một vấn đề phức tạp, song với sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính tỉnh, nhất là vai trò của các cấp lãnh đạo và sự chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, của UBNN các cấp, đến nay ngân sách cấp xã đã ổn định hoạt động nề nếp và đúng luật. Bên cạnh đó ngành Tài chính địa phương luôn chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực như quản lý điều hành thu, chi NSNN, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí các chương trình mục tiêu, quản lý tài chính doanh nghiệp... góp phần thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn tỉnh./.
Thành Nam