Định vị lại những sản phẩm đặc thù
Theo ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nam Định, Tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, dồi dào, bao gồm: 1.330 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 365 di tích đã được xếp hạng, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh, di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện); hơn 400 nhà thờ công giáo với kiến trúc đặc trưng; Vườn quốc gia Xuân Thủy - điểm ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú với các loại hình dân ca, dân vũ; hàng năm có hơn 100 lễ hội truyền thống, trong đó có những lễ hội nổi tiếng như: Chợ Viềng, Đền Trần (với tục khai ấn đầu năm), lễ hội Phủ Dầy...
Theo ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nam Định, Tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, dồi dào, bao gồm: 1.330 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 365 di tích đã được xếp hạng, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh, di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện); hơn 400 nhà thờ công giáo với kiến trúc đặc trưng; Vườn quốc gia Xuân Thủy - điểm ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú với các loại hình dân ca, dân vũ; hàng năm có hơn 100 lễ hội truyền thống, trong đó có những lễ hội nổi tiếng như: Chợ Viềng, Đền Trần (với tục khai ấn đầu năm), lễ hội Phủ Dầy...
Các loài chim di cư đến lưu trú tránh rét tại Vườn Quốc gia Giao Thủy
Ảnh: Trần Hưng
Ảnh: Trần Hưng
Với sản phẩm du lịch phong phú để tạo ra điểm nhấn và có sức lôi cuốn riêng, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tập trung triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, định hướng vào 2 “trục” chính là du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch sinh thái - cộng đồng. Đây cũng chính là hai định hướng ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển du lịch chung của cả nước.
Với nhóm sản phẩm du lịch sinh thái - cộng đồng, Nam Định xác định điểm nhấn là Vườn quốc gia Xuân Thủy, nhằm khai thác các giá trị nổi bật của hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú. Xung quanh sản phẩm“lõi”này, Nam Định sẽ gắn kết thêm các sản phẩm du lịch tham quan làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ hoặc du lịch làng nghề, trải nghiệm nông thôn mới, tham quan các nhà thờ công giáo với kiến trúc đa dạng, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng tại bãi biển, thưởng thức các đặc sản nông nghiệp phong phú của địa phương như: Phở Nam Định, bánh cuốn làng Kênh, bánh gai bà Thi, Kẹo lạc Sìu Châu, nem nắm Giao Thủy, gạo tám xoan Xuân Đài, bánh nhãn Hải Hậu…
Với nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh, Nam Định được coi là trung tâm Tín ngưỡng thờ Mẫu của đồng bằng Bắc Bộ, bởi sự quy tụ hàng trăm di tích thờ Mẫu, tiêu biểu nhất là Phủ Dầy thờ Mẹ (Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Đây là lợi thế rất lớn cho du lịch Nam Định bởi“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nếu được tổ chức tốt (loại trừ yếu tố mê tín) kết hợp với các hoạt động hoặc tổ chức các sự kiện như liên hoan chầu văn, diễn xướng hầu đồng, chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt lớn so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, di tích quốc gia đặc biệt đền Trần, chùa Phổ Minh gắn với Lễ hội đền Trần (thành phố Nam Định), di tích, Lễ hội chùa Keo Hành Thiện (huyện Xuân Trường), di tích cầu Ngói, Lễ hội chùa Lương (huyện Hải Hậu), chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh)… là những điểm du lịch văn hóa tâm linh của Nam Định có sức hấp dẫn du khách.
Tiếp tục duy trì giải pháp mang tính then chốt
Trên cơ sở định hình những sản phẩm đặc thù, để các sản phẩm không phát triển một cách rời rạc, thiếu sự liên kết, Nam Định tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo nền tảng vững chắc, có định hướng cho du lịch phát triển bền vững.
Về phát triển hạ tầng du lịch: Tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cùng với ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp tuyến đường giao thông, kết nối điểm du lịch với trục giao thông huyết mạch, mở rộng không gian, diện tích các khu, điểm du lịch quan trọng. Trong 3 năm 2015-2018, Nam Định đã triển khai 3 dự án lớn xây dựng hạ tầng với tổng mức đầu tư 54 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ, bao gồm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu vực quần thể Phủ Dầy, Chợ Viềng Vụ Bản, dự án nâng cấp mở rộng đường khu du lịch Thịnh Long (đoạn từ tỉnh lộ 488 đến đường tuyến 1) và dự án cải tạo nâng cấp đường du lịchThịnh Long (đoạn nối từ QL21 đến đường trục chính khu du lịch). Cùng với nguồn ngân sách địa phương, Nam Định đã và đang xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các vị trí tiềm năng phát triển du lịch. Trong 3 năm qua, các nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư 228 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí. Trong đó, nổi bật là dự án khách sạn Nam Cường đạt chuẩn 4 sao đầu tiên của tỉnh sẽ được đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2019.
Về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch: Thực hiện đa dạng hình thức tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; thiết lập và duy trì trang thông tin điện tử dulichnamdinh.com.vn có hiệu quả; tổ chức các sự kiện để quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Nam Định. Trong giai đoạn 2015-2018, ngành đã xuất bản hàng ngàn ấn phẩm sách ảnh du lịch Nam Định, tổ chức Hội chợ Du lịch thương mại. Ngoài ra, Nam Định thường xuyên, tích cực tham gia các hội chợ, quảng bá xúc tiến du lịch các tỉnh thành trong cả nước
Về nguồn nhân lực có trình độ và nghiệp vụ du lịch: Nhằm đáp ứng đủ số lượng và chất lượng, hằng năm, ngành đã phối hợp với các cơ sở đào tạo mở các lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, buồng bàn, quản lý cơ sở lưu trú để cấp chứng chỉ, lựa chọn cán bộ quản lý doanh nghiệp để cử đi đào tạo cao đẳng, đại học hoặc đi học tập kinh nghiệm tại địa phương có ngành du lịch phát triển tốt.
Về liên kết, hợp tác phát triển du lịch: Để các sản phẩm không mang tính phát triển rời rạc thiếu liên kết, Nam Định đã chủ động xây dựng tour tuyến kết nối các điểm du lịch trong tỉnh, có tính đến sự liên kết với các điểm trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, tỉnh kết nối và tổ chức nhiều đoàn Famtrip để khảo sát các điểm, tuyến du lịch nhằm đưa thông tin tới các hãng lữ hành để xây dựng tour tuyến phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và khai thác hiệu quả các điểm du lịch của địa phương./
Một số kết quả đạt được của du lịch Nam Định năm 2018
-
Tổng lượng khách: Trên 2,5 triệu lượt người, tăng 5,3% so với năm 2017
-
Tổng doanh thu du lịch: 736 tỷ đồng, tăng 12,1%.
-
Số đơn vị kinh doanh lưu trú: 403 cơ sở, kinh doanh lữ hành 24 doanh nghiệp.
-
Tổng số lao động du lịch: Trên 3.200 người, trong đó: Số có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 8,5%.
-
Tổ chức thành công Cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Nam Định, thu hút 58 tác giả với 1.558 tác phẩm phản ảnh sinh động nét đặc trưng lịch sử văn hóa, con người Nam Định.
Trọng Nghĩa