Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Quy hoạch và đầu tư hạ tầng theo vùng để giảm t

|

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Hiện nay, những nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho Việt Nam không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới. 

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Hồng Hà (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, 
về vấn đề này. 
* Phóng viên:Bộ trưởng đánh giá thế nào về những tác hại mà BĐKH đang gây ra cho nước ta? 
Mô tả ảnh
 * Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tác hại từ BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ khu trú tại một số địa phương mà gây thiệt hại trên cả nước. Năm 2016, tại khu vực miền Bắc thường xuyên diễn ra mưa lớn, kéo theo tình trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, núi, trượt đất… Khu vực miền Trung vừa hứng chịu hạn hán kéo dài vừa hứng chịu nhiều cơn bão mạnh, thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Còn ở khu vực miền Nam, tình trạng hạn hán kéo dài cộng với sạt lở đất nghiêm trọng và mực nước biển dâng cao đã đe dọa trực tiếp đến nguồn nước ngọt. Trữ lượng phù sa liên tục giảm qua nhiều năm, gây suy giảm nghiêm trọng hiệu quả canh tác nông nghiệp. Năm 2016, Chính phủ đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong cải thiện chất lượng đời sống người dân khu vực chịu nhiều thiên tai. 
Về lâu dài, những tác động do BĐKH gây ra cho nước ta dự báo sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Những vùng được xác định là chịu nhiều tổn thương nhất là khu vực ven biển và vùng đồng bằng. Đặc biệt, ở vùng ĐBSCL, về lâu dài, theo kịch bản nước biển dâng khoảng 1m sẽ có nguy cơ mất 40% diện tích đất. * Việt Nam đã có những nỗ lực nào để giảm thiểu thiệt hại do BĐKH, thưa Bộ trưởng?  *  Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã phối hợp các tổ chức quốc tế đánh giá khá sát thực những ảnh hưởng từ BĐKH đến Việt Nam. Thế nhưng, diễn biến thất thường của khí hậu trong năm 2016 cho thấy, các dự báo vẫn chưa thể tiên liệu hết. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết định hết sức quan trọng. Cụ thể, ban hành và triển khai các chiến lược như sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng trưởng xanh, chiến lược BĐKH, tăng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, giảm năng lượng hóa thạch. Chúng ta đã có nghị quyết về những nhiệm vụ giải quyết các vấn đề cấp bách để đưa nền kinh tế theo hướng bền vững hơn. Như vậy, sắp tới chúng ta sẽ tiếp cận đến những vấn đề quy hoạch, các chương trình, giải pháp công trình và phi công trình để từng bước thay đổi mô hình phát triển kinh tế.  Việt Nam đã bước đầu có thay đổi về cách nhìn nhận trong việc phát triển kinh tế. Theo đó, sẽ thích ứng, không chống lại thiên nhiên, phát triển kinh tế theo hệ sinh thái chấp nhận sống chung, thích ứng để thay đổi, hướng tới phát triển bền vững. Chẳng hạn, trước đây, ĐBSCL chủ yếu đắp đê chống mặn để cố gắng “ngọt hóa”, nhưng bây giờ không làm như vậy nữa mà chia theo 3 vùng: vùng thượng nguồn làm nhiệm vụ tránh lũ, giữ nước ngọt (làm kinh tế nước ngọt); vùng trung tâm là vùng giao thoa giữa vùng thượng nguồn và hạ nguồn. Vùng này sẽ được quy hoạch vùng đệm để bảo vệ nguồn nước ngọt kết hợp phát triển công nghiệp chế biến; vùng ven biển chấp nhận vùng nước mặn và nước lợ. Tập trung phát triển ngành chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với tính chất nguồn nước và thổ nhưỡng của vùng. * Bộ trưởng cho biết những dự án nào sẽ được ưu tiên đầu tư trong thời gian tới nhằm giảm thiểu những tác động BĐKH lên đời sống người dân, nhất là những khu vực dân cư chịu nhiều thiệt hại do thiên tai năm 2016?
* Nguồn lực huy động để ứng phó BĐKH rất lớn nên cần có lộ trình đầu tư. Với vai trò tham mưu cho Chính phủ những giải pháp giảm thiểu những tổn hại do BĐKH, từ năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình danh mục 61 dự án ưu tiên đầu tư tập trung chủ yếu: phòng chống bão lũ; dự báo dự trữ nguồn nước; phát triển rừng phòng hộ ven biển; xây dựng quan trắc giám sát; xác định và quy hoạch vùng nguy hiểm, có phương án di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm… Tổng mức kinh phí để đầu tư 61 dự án này là 19.000 tỷ đồng. Hiện Quốc hội đã phê duyệt kinh phí đầu tư cho danh mục trên là 15.000 tỷ đồng. Theo đó, tập trung ưu tiên đầu tư những dự án không thể trì hoãn. Bước tiếp theo cùng với nội lực sẵn có, kết hợp đẩy mạnh kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng thế giới, từng bước hoàn thiện hạ tầng nhằm giúp Việt Nam có khả năng chống lại các cú sốc từ môi trường.  Ngoài ra, Chính phủ cũng đang nỗ lực tạo ra thị trường mới nhằm thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào chương trình thích ứng BĐKH. Có thể thu hút đầu tư theo hình hình thức công tư trong đầu tư hạ tầng. * Đã có những hỗ trợ nào từ phía cộng đồng thế giới nhằm giúp Việt Nam giảm nhẹ những tổn hại do BĐKH gây ra? * Thành tích quan trọng nhất là chúng ta đã đạt được Thỏa thuận Paris. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan, các địa phương gấp rút xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thu hút các nước chuyển giao công nghệ, đóng góp tài chính bằng hình thức công tư… để triển khai thỏa thuận trên. Tuy nhiên, để có thể thấy hiệu quả của những bước đi này đòi hỏi lộ trình dài.  Song song với việc triển khai thỏa thuận trên, hiện chúng ta đã bước đầu huy động được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), AFD (Cơ quan Phát triển Pháp), JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), cũng như một số nước khác nữa cho chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC). Thế giới hiện nay đang hướng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 3 trụ cột, gồm: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong SDG có một mục tiêu quan trọng, đó là thỏa thuận về BĐKH. BĐKH hiện nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến 3 trụ cột nói trên. Do vậy, nếu giải quyết được bài toán BĐKH thì sẽ đưa kinh tế, xã hội và môi trường phát triển một cách bền vững. * Xin cám ơn Bộ trưởng